MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh KH.

Các hãng taxi “kêu trời” với đề xuất lạ của Hà Nội

Khánh Hoà LDO | 27/06/2017 13:51
Phân vùng taxi, buộc sử dụng trung tâm điều hành chung… những đề xuất của UBND Tp Hà Nội trong Quy chế quản lý taxi khiến các hãng taxi “kêu trời”.

Ngày 24.6 Hiệp hội vận tải Hà Nội có công văn số 27/CV-HH đến Bộ Tư pháp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội kiến nghị về Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Tp Hà Nội. Theo đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định đã nhiều lần góp ý vào các dự thảo của Quy chế trên nhưng tới dự thảo lần thứ 4, các ý kiến góp ý không được tiếp thu và dự thảo lần thứ 4 còn nhiều vấn đề mà nếu đi vào thực tế sẽ tạo ra nhiều bất cập và rủi ro cho doanh nghiệp taxi.

Liên quan tới vấn đề đấu thầu và quyền khai thác phương tiện, Hiệp hội cho rằng các đề xuất về vấn đề này đang “sai về mặt bản chất chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương và dễ nảy sinh tiêu cực. Cụ thể việc Sở GTVT vừa là cơ quan quản lý vừa là bên giao thầu sẽ không đảm bảo tính khách quan trong việc đấu thấu, dễ nảy sinh tiêu cực.

Hiệp hội cũng dẫn chứng về việc Hà Nội đã có chủ trương ngừng cấp phù hiệu taxi từ năm 2012 nhưng đến tháng 6/2016, tổng số phù hiệu đã cấp là 19.141 chiếc (tăng 1.741 chiếc), như vậy gần 2.000 phù hiệu tăng thêm được cấp cho ai, theo tiêu chuẩn nào mà các doanh nghiệp taxi chưa có bất cứ một thông tin công khai nào từ cơ quan quản lý. Việc đấu thấu quyền khai thác được đánh giá là đang đẩy doanh nghiệp vào thế bị động, tước quyền tự chủ kinh doanh, làm cho số lượng phương tiện của DN không ổn định.

Hiệp hội cũng phản ứng mạnh mẽ về đề xuất thành lập trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi và cho rằng việc này không làm chất lượng dịch vụ hay việc quản lý nhà nước tốt hơn mà trái lại làm gia tăng thêm bộ máy hành chính, tăng gánh nặng ngân sách, tạo nên mô hình mang dáng dấp hợp tác xã bao cấp trái với quy luật của kinh tế thị trường. Hiệp hội lo ngại khả năng nhân viên điều hành sẽ có hành vi ăn dơ với DN, lái xe để điều chuyển các cuốc khách, tạo cơ chế xin cho. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi có sự cố mất đồ, khiếu nại về giá cước thì trung tâm điều hành sẽ phải có cả nghìn nhân viên và việc sử dụng trung tâm điều hành chung thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu của DN đã đầu tư nhiều năm để san sẻ cho các DN mới ít đầu tư và từ đó làm giảm chất lượng dịch vụ taxi.

Ngoài ra các vấn đề về ngừng hoạt động và thay thế phương tiện cũng được cho là chưa hợp lý khi thời gian thực hiện quá ngắn, 15 ngày để trả lại phù hiệu và 90 ngày để thay thế phương tiện.

Trao đổi với báo Lao Động, đại diện một hãng taxi tại Hà Nội cho rằng việc đưa ra quy định đấu thầu quyền khai thác và xây dựng Trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi sẽ tạo khe hở rất lớn cho việc thôn tính các DN taxi tại Hà Nội vì các DN lớn sẽ thông tin các DN vừa và nhỏ thông qua việc chạy thầu quyền khai thác và chiếm toàn bộ giá trị thương hiệu thông qua Trung tâm điều hành chung mà không cần bỏ tiền ra mua DN.

Đại diện này cũng than thở hiện nay các DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, đã chịu nhiều quy định về điều kiện kinh doanh cũng như chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ Grab, Uber nên nếu các đề xuất trên được thông qua thì nhiều DN “sẽ khó sống” mà người tiêu dùng cũng bị gây khó khi sử dụng dịch vụ.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn