MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021 tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước nhờ hỗ trợ từ các FTAs thế hệ mới. Ảnh minh họa: Vũ Long

Các hiệp định thương mại lớn hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng trong dịch

Vũ Long LDO | 06/09/2021 17:29

Các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đà hỗ trợ từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỉ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Theo Bộ Công Thương, các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn trong thời gian tới.

Mới đây, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, nhận định: Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được Chính phủ hai nước ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Theo đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào Anh được miễn thuế, tạo cơ hội cho các mặt hàng tiềm năng như càphê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản... Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương đa dạng. 

Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Châu Âu (EU) cũng bật tăng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi. Dẫn chứng số liệu xuất khẩu trước và sau khi EVFTA được triển khai, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ: Trong suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm 5,9% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của EVFTA, 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng mạnh mẽ là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Với những lợi ích mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại, xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, cơ hội này càng mở rộng thêm khi mới đây Peru đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn trở thành nước thành viên thứ 8 thông qua CPTPP.  Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Mặt hàng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh sang khối này từ khi CPTPP có hiệu lực.

Doanh nghiệp nỗ lực tận dụng lợi thế do FTAs mang lại

Bộ Công Thương đánh giá, trên thực tế, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Peru phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua. Bước sang năm 2021, 6 tháng đầu năm đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch song phương đạt 278,27 triệu USD, tăng 78,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 242,49 triệu USD, tăng 103,6%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clinker và xi măng, hàng dệt may và thủy sản... 

Hiệp định UKVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội và nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận thành công thị trường Anh. Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt cần tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.

Còn theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm, Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.

Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỉ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19.1.2021 (4-5%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn