MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trương Đình Tuyển tại Hội thảo

Các kinh tế gia hàng đầu điểm huyệt yếu kém và hiến kế cho Nghệ An phát triển kinh tế

QUANG ĐẠI LDO | 18/08/2018 10:43
Sáng 18.8, tại TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại-dịch vụ Nghệ An đến năm 2020, định hướng 2025”, thu hút nhiều chuyên gia kinh tế tham dự. 

Kinh tế tăng trưởng nhẹ nhưng chưa có đột phá 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 8%, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp.

Tỉ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 27,76% năm 2013 lên 31,39% năm 2017 và năm 2018 dự kiến đạt 33,35%. Khu vực nông-lâm-ngư-nghiệp giảm từ 25,03% năm 2013 xuống 21,79% năm 2017; Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 47,21% năm 2013, năm 2017 là 46,82%.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng đều hàng năm; năm 2013 tổng thu ngân sách là 8.065,3 tỷ đồng, năm 2017 là 12.959 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 là 13.500 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với năm 2013.

Giá trị sản xuất dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,1%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Toàn tỉnh có hơn 5.500 doanh nghiệp và 143.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động thương mại-dịch vụ, tổng vốn bình quân hàng năm đạt gần 150.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 290.200 người, chiếm 15,6% tổng số lao động. Toàn tỉnh có 405 chợ đang hoạt động.

PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

"Cần nhìn thẳng sự thật để tìm giải pháp giúp tỉnh phát triển"

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển kinh tế - thương mại dịch vụ, xuất khẩu của tỉnh Nghệ An trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tỉnh còn nhiều vấn đề cần giải quyết: số doanh nghiệp hoạt động thương mại-dịch vụ còn ít (5.500), chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể (143.000), trong đó chưa có những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu uy tín. Xuất khẩu Nghệ An tăng trưởng mạnh nhưng đến nay chưa đạt 1 tỉ USD, chỉ đạt 0,3% của cả nước.

Thị trường xuất khẩu còn bất cập, chủ yếu là Trung Quốc: chiếm gần 50% so với hơn 100 nước còn lại. Nghệ An có nhiều đặc sản, nhưng còn manh mún, chưa thể xuất khẩu với số lượng lớn. “Nền tảng thương mại-dịch vụ Nghệ An còn yếu. Cần nhìn thẳng sự thật để tìm ra giải pháp giúp tỉnh phát triển”, ông Trần Đình Thiên khẳng định.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại, yếu kém của kinh tế Nghệ An như dân số tăng trưởng kém, thu ngân sách thấp, chi ngân sách cao, tốc độ đô thị hóa thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp còn rất thấp, xếp hạng PCI thấp… và gợi mở nhiều giải pháp.

Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với Nghệ An đối với phát triển dịch vụ - thương mại: Cạnh tranh giữa các địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tăng lên, trong khi chỉ số CPI của Nghệ An mới đứng thứ 20 nhưng tiêu chí về phẩm chất bộ máy công quyền lại thấp.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng lên; công nghiệp chế tạo trên địa bàn chậm phát triển, không tạo ra được thị trường lớn cho phát triển dịch vụ. Mức sống của người dân còn thấp, GRDP năm 2017 chỉ đạt 34 triệu/người, nguồn nhân lực cho kinh doanh phục vụ thấp, độ tinh tế trong kinh doanh của doanh nghiệp kém, một bộ phận cán bộ tư duy còn bảo thủ, chậm đổi mới.

Ông Trương Đình Tuyển gợi ý một số giải pháp chính cho Nghệ An: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp chế tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển dịch vụ Logistic; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Tuyển, cần lưu ý nhiều mô hình kinh doanh hiện đại đang phát triển cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang làm thay đổi bộ mặt thị trường bán lẻ Nghệ An, tạo ra những thách thức không nhỏ cho các nhà phân phối cũng như cơ quan quản lý địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn