MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin doạt động của các ngân hàng yếu kém khi chờ chuyển giao bắt buộc rất nhỏ giọt . Ảnh: Lam Duy.

Các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, mua giá 0 đồng thế nào sau gần 10 năm

Minh Ánh LDO | 13/12/2023 12:53

Gần một thập kỷ chờ xử lý, các ngân hàng yếu kém kín bưng các thông tin báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh chỉ được tiết lộ nhỏ giọt thông qua các thông báo trên website.

Hoạt động của các ngân hàng yếu kém khi chờ chuyển giao bắt buộc

Từ thời điểm bị đưa vào kiểm soát đặc biệt năm 2015, trải qua gần 1 thập kỷ, DongABank và các ngân hàng mua giá "0 đồng" OceanBank, CBBank, GPBank không còn công khai báo cáo tài chính.

Trong quá trình chờ chuyển giao bắt buộc, hồi tháng 3.2023, trên website ngân hàng DongABank từng tiết lộ huy động vốn từ khách hàng của ngân hàng đạt 98% kế hoạch năm 2022, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022.

Theo đó, yếu tố giúp DongABank duy trì kinh doanh là nguồn tiền gửi trung, dài hạn tiếp tục được duy trì với tỉ lệ gần 42%. Năm 2022, dư nợ cho vay đạt 102% kế hoạch năm.

Còn tại Oceanbank, đầu năm 2023, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho biết với sự hỗ trợ tích cực của MB và VietinBank, OceanBank đã hoàn thành các chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2022.

Theo đó, tổng tài sản đạt 104,7% so với kế hoạch được giao, tăng 15,1% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng tăng 12% so với năm 2021; Xử lý nợ đạt trên 900 tỉ đồng, đạt 110% kế hoạch năm. Lợi nhuận hoàn thành 307% chỉ tiêu kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao.

Ghi nhận tại CBBank, các thông tin trên website chính thức của ngân hàng cho hay, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CBBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và cũng hoàn thành 100% các chỉ tiêu.

Trong số này, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỉ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỉ đồng.

Sau gần 1 thập kỷ, số phận các ngân hàng yếu kém dự kiến ra sao?

Trong báo cáo giữa tháng 10.2023, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm, dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng bị điểm tên trên liên tục lỗ.

Cụ thể, đến tháng 8.2023, tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn rất khó khăn, nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Còn nhớ giữa năm 2022, lãnh đạo MB và Vietcombank đều có những chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên về việc sẽ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là Oceanbank và CBBank.

Sang đến năm 2023, lý giải về thời gian thủ tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lâu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo của MB cho rằng: Đề án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại là một nội dung chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay, cần thực hiện chặt chẽ theo trình tự, thủ tục của Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến, đầu năm 2024, MB sẽ hoàn thành thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.

Tương tự tại VCB, thông qua Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tháng 6.2023, đại diện CBBank cũng xác nhận với báo chí, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB sớm nhất là cuối năm nay.

TS Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Lao Động ngày 11.12.2023, TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng: Trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn hiện nay là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém và tập trung giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm là do bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới những năm qua gặp nhiều bất lợi. Thêm vào đó, hành lang pháp lý bất cập cũng khiến ngành ngân hàng chưa thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém là việc thực sự khó khăn. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, chia sẻ về vấn đề này với phóng viên ngày 12.12.2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết: "Ở các nước trên thế giới, khi một ngân hàng phá sản, người gửi tiền, mua trái phiếu... của ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại, mất vốn. Thế nhưng, tại Việt Nam, Nhà nước cam kết một cách chắc chắn rằng người gửi tiền vào bất kỳ ngân hàng nào cũng đều được Nhà nước đảm bảo".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn