MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 ngân hàng quốc doanh có thể phải giảm tới 40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng khắc phục ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: Agribank

Các ngân hàng cần hy sinh lợi nhuận nhiều hơn nữa

Văn Nguyễn LDO | 22/04/2020 15:58
Theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 ngân hàng thương mại quốc doanh có thể sẽ phải cắt giảm tới 40% lợi nhuận trong năm nay để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Số tiền hỗ trợ có thể lên tới trên 23.000 tỉ đồng

Cụ thể theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, để có cơ sở tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau các tác động của dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn của Nhà nước trong năm nay phải giảm khoảng 40% lợi nhuận so với kết quả thực hiện năm 2019. Như với Vietcombank, NH này đạt khoảng 22.000 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2019 nên trong năm nay có thể phải giảm khoảng 30%-40% lợi nhuận, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỉ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất.

Việc giảm mạnh lợi nhuận trong năm 2020 tới 40% là con số gây nhiều chú ý bởi 4 NHTM quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank luôn là nhóm dẫn đầu hệ thống NH về kết quả lợi nhuận. Các báo cáo tài chính cho thấy, tổng lợi nhuận của 4 NH này trong năm 2019 là trên 58.000 tỉ đồng, đồng nghĩa nếu các NH cắt giảm 40% lợi nhuận từ số này như kêu gọi của lãnh đạo NHNN, sẽ có khoảng 23.200 tỉ đồng được dành để hỗ trợ DN và người dân khắc phục ảnh hưởng dịch COVID-19 và hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch. 

Thực tế cho đến nay, 4 NH này vẫn đang dẫn đầu hệ thống các NHTM trong việc xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm mạnh phí dịch vụ và lãi suất cho vay cho DN và người dân. Các hoạt động này đang tác động mạnh và trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các NH. Trong các gói tín dụng ưu đãi quy mô tới 285.000 tỉ đồng đang được triển khai hiện nay, 4 NH nói trên cũng chiếm doanh số lớn nhất. Ước tính đến nay, BIDV giải ngân được hơn 17.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVDI-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay cũng lên tới trên 120.000 tỉ đồng. NH này đồng thời cũng thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỉ đồng nhằm góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.

Cần nhìn vào sức khỏe ngân hàng

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, chưa tính gói tín dụng ưu đãi mới 30.000 tỉ đồng đang được triển khai với mức giảm lãi suất tới 2,5%, NH cũng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng khi kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu từ mốc dự kiến ban đầu đến ngày 30.4 chuyển sang đến ngày 30.9. Ước tính việc kéo dài chương trình hỗ trợ này sẽ khiến NH giảm 300 tỉ đồng lợi nhuận.

Còn tại BIDV, với các chương trình hỗ trợ lãi suất tại NH hiện nay và quy mô tín dụng hiện hữu, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400-3.000 tỉ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

So với con số ước tính tới 23.200 tỉ đồng trên đây, mức hỗ trợ từ các NH ở thời điểm hiện nay dường như vẫn là quá thấp và giải thích vì sao cộng đồng DN vẫn đang mong chờ các NH đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ hiện tại hoặc có thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Dĩ nhiên ở chiều ngược lại, mức hỗ trợ cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào khả năng và tình hình tài chính hiện tại của mỗi NH.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho rằng, mỗi NH đều có giá vốn đầu vào khác nhau. NH có vốn huy động không kỳ hạn dài sẽ có giá vốn rẻ hơn nên dư địa giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng cũng sẽ nhiều hơn. Hơn nữa, tiềm lực tài chính của mỗi NH còn phụ thuộc vào nợ xấu. NH có nợ xấu cao thì trích lập dự phòng cao và sẽ ngốn tài chính nhiều.

“Theo đó, tôi cho rằng, các NH sẽ phải cân đối lợi nhuận do tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng ở mức giới hạn, thứ hai là nợ xấu cũng có khả năng phát sinh, thứ ba là biên lợi nhuận giảm. Mức hỗ trợ tối đa bao nhiêu theo đó sẽ khác nhau theo từng NH và phải nhìn vào sức khỏe của mỗi NH” - bà Phượng đánh giá.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phượng, NH là một DN và các giải pháp hỗ trợ này không thể để NH bị cuốn vào nợ xấu.

Một chuyên gia tài chính NH cũng cho rằng, do 4 NH quốc doanh có dư nợ rất lớn nên nếu đặt ra yêu cầu tất cả khách hàng đều được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, lợi nhuận của các NH sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. “Vì thế, cần để các NH tự đưa lên “bàn cân” tài chính để xác định xem mức tối đa có thể hỗ trợ được nền kinh tế là bao nhiêu?” - vị này đưa ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn