MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp viễn thông đang chú ý đến mảng thanh toán mobile money. Ảnh TL

Các "ông lớn" viễn thông đang giành miếng bánh thị phần béo bở Mobile Money

Hương Nguyễn LDO | 13/03/2021 10:00

Giới tài chính ngân hàng, các nhà mạng viễn thông, nhà đầu tư chứng khoán… đang đặc biệt quan tâm với thông tin Thủ tướng đồng ý cho thử nghiệm Mobile Money (tiền di động) trong vòng 2 năm. Như vậy, trong thời gian tới, người dân không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán điện tử.

Nhà mạng chạy đua xin thí điểm Mobile Money

Viettel, MobiFone và các nhà mạng đều đã chuẩn bị sẵn sàng để “nhảy vào” lĩnh vực “béo bở” là mảng thanh toán vốn lâu nay là cuộc chơi của các ngân hàng và công ty fintech. Nói là “béo bở” là bởi việc tham gia vào thị trường thanh toán sẽ hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống hiện đã bão hòa.

Việc triển khai thí điểm Mobile Money là cơ sở quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Ảnh VT

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết “Với mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ số và Mobile Money. Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel”.

Đại diện MobiFone cho biết đã sẵn sàng các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách ở mức cao nhất. MobiFone đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết “Các doanh nghiệp viễn thông cần khẩn trương xây dựng Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. NHNN sẽ là đầu mối xem xét, thẩm định.

Sau khi nhận hồ sơ, ba Bộ là NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ thẩm định các nội dung. Nếu hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ, dịch vụ Mobile Money sẽ sớm được triển khai”.

Vậy Mobile Money là gì?

Bản chất Mobile Money là chuyển đổi hình thức tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.

Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu có thông tin trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Số điện thoại thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đặc biệt, mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Kì vọng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết có hai lợi ích lớn nhất của Mobile-Money.

Thứ nhất: Góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí…

Thứ hai: Giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán.

Ở Việt Nam, tổng số thuê bao điện thoại di động hiện nay là khoảng 124,8 triệu thuê bao. Các chuyên gia kì vọng việc cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo Mobile Money sẽ đem lại công nghệ thanh toán vượt xa những cách thức hiện tại, tạo ra bước ngoặt cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn