MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tín dụng tháng 1.2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Các sếp lớn ngân hàng nói về việc tín dụng tăng trưởng âm tháng 1.2024

Minh Ánh LDO | 20/02/2024 13:48

Sáng 20.2, tại Hội nghị thúc đẩy tín dụng năm 2024, các sếp lớn ngân hàng Vietcombank, BIDV nêu lý do khiến tín dụng hụt hơi ngay từ tháng đầu năm.

Tháng 1.2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Đơn cử như tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank - cho biết, hết tháng 1.2024, tín dụng cuối kỳ đạt 1,24 triệu tỉ đồng, giảm 2,3%.

Ông Tùng nhận định, nguyên nhân tín dụng giảm là do tín dụng bán lẻ trong tháng đầu tiên năm 2024 tiếp tục đà giảm, giảm đến 11.000 tỉ đồng, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân gặp khó. Bên cạnh đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản cũng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án mới cấp phép năm 2023 có ít dẫn đến nguồn cung thiếu, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý.

"Yếu tố đặc thù tín dụng Vietcombank là dư nợ ngắn hạn bán buôn, chiếm tỉ trọng lớn 74%, dư nợ cho vay thanh toán quốc tế tài trợ thương mại thời vụ tập trung các dịp Tết Dương lịch phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa... Với các khách hàng FDI có xu hướng trả nợ cuối năm.

Trong khi đó, tâm lý chung doanh nghiệp, người dân ngại vay nợ những tháng đầu tiên năm mới. Tôi cho rằng, các quý sau, việc giải ngân khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ quay trở lại..." - ông Tùng nói.

Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV - cho hay, nguyên nhân suy giảm tín dụng trong tháng đầu năm chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đại diện BIDV cho biết, BIDV đánh giá nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, các nhóm ngành là động lực tăng trưởng còn phục hồi chậm. Thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Long nêu ra các con số về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và giải thể trong tháng 1 và nhận định năng lực tài chính của các doanh nghiệp đang giảm sút. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang đối mặt với các nguy cơ pháp lý.

"Doanh nghiệp đối diện với nhiều rủi ro thì sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ của ngân hàng. Giai đoạn 2024-2025, áp lực trả nợ sẽ rất lớn, nợ xấu gia tăng" - lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Ông Long cũng nhấn mạnh, một trong những lý do khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do một số doanh nghiệp có báo cáo tài chính chồng chéo, hồ sơ không rõ ràng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá, xem xét cấp tín dụng.

"Đáng nói, có doanh nghiệp được đến 4 ngân hàng quốc doanh cấp tín dụng cho vay, nên các ngân hàng nhỏ coi đây là cơ sở để cho vay, sẵn sàng cho vay mà không cần tài sản thế chấp. Điều này khiến cho việc quản lý khoản phải thu, tín dụng của các ngân hàng rất khó khăn" - ông Long nói.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung nhưng sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay: Quan điểm chỉ đạo tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế để doanh nghiệp sớm hồi phục, hỗ trợ cho nền kinh tế. Việc này cũng là giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng nhưng việc cho vay vẫn phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng đối tượng và phải kiểm soát được rủi ro.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tín dụng đi đúng, trúng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là trọng tâm của nền kinh tế, hướng đến các doanh nghiệp khó khăn nhưng có khả năng phục hồi.

Đặc biệt, Phó Thống đốc Thường trực khẳng định: "Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn hỗ trợ bổ sung nhưng trong giai đoạn khó khăn, vốn tín dụng cũng vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn