MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các yếu tố bên ngoài đang đe dọa tăng trưởng GDP của Việt Nam

Thái Mạnh LDO | 20/04/2023 07:57
Các chuyên gia của VSI Rating đánh giá, tăng trưởng GDP quý 1 so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh xuống 3.32% thấp hơn mức tăng 5.9% của quý 4 năm trước, chủ yếu do sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh.
Các yếu tố bên ngoài đang tác động tới tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nguồn: LĐO

Trong báo cáo phát hành mới đây của CTCP xếp hạng tín nhiệm VSI Rating, các chuyên gia đánh giá ngành xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài dẫn đến sự sụt giảm đáng kể và sẽ tác động tới mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong cả năm 2023.

Sức tiêu thụ ở các thị trường chủ lực giảm mạnh

Sức tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường chủ lực giảm mạnh. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, VIS Rating.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ở quốc gia trên thế giới yếu đi do lạm phát tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng trưởng kinh tế chậm dần.

Các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mexico và Đài Loan cũng đang phải đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng tương tự như Việt Nam.

“Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam đã giảm xuống 47,7 trong tháng 3.2023, đây là lần thứ hai trong năm chỉ số giảm xuống dưới mức chuẩn 50.

Tín hiệu này cho thấy sự suy yếu ở mảng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và hoạt động kinh doanh mới trong thời gian tới”, các chuyên gia của VIS Rating đánh giá.

Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Võ Thế Vinh, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam cho rằng: “Việc liên tục tăng lãi suất của FED trong thời gian qua cũng là yếu tố tác động mạnh tới ngành xuất khẩu của Việt Nam khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn.

Đồng thời, việc thay đổi chính sách tiền tệ cũng gây ra xáo trộn cho các dòng vốn ngoại của các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ vào Việt Nam”.

Sản xuất công nghiệp trở thành nhân tố kéo lùi GDP trong quý 1.2023

Sản xuất công nghiệp là nhân tố kéo lùi tăng trưởng GDP trong quý 1.2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê, VIS Rating.

Trong quý 1.2023, tăng trưởng GDP quý 1 so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh xuống 3,32% thấp hơn mức tăng 5.9% của quý 4 năm trước, chủ yếu do sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh.

Nhóm ngành sản xuất công nghiệp, thường chiếm tới 26,5% tổng giá trị GDP hàng năm, chịu mức tăng trưởng âm 0,4% trong quý 1 so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2022.

Sự suy giảm về sản lượng sản xuất công nghiệp còn được phản ánh khi ngành xuất khẩu tăng trưởng âm trong 3 quý liên tiếp.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực yếu đi đáng kể trong quý 1 tại tất cả các thị trường quan trọng của Việt Nam bao gồm Điện tử, May mặc, Da giày, Đồ gỗ nội thất.

Các chính sách của Chính phủ sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Theo VIS Rating, các chính sách ban hành của Chính Phủ trong thời gian tới sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời hạn nộp thuế và kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa như đề xuất cắt giảm 2% VAT tương đương với 1.5 tỉ USD sẽ trực tiếp hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong năm nay.

Đặc biệt, thời gian gần đây Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cũng liên tục hạ lãi suất điều hành, nhằm góp phần khơi thông thị trường vốn và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 cũng như cân đối lớn cho các năm tiếp theo.

“Việc NHNN liên tục có những động thái giảm lãi suất điều hành thể hiện sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện hiện nay và tạo dư địa tăng trưởng cho nền kinh tế cũng như giải tỏa một phần áp lực cho các doanh nghiệp khi phải vay lãi suất cao trong bối cảnh FED vẫn có quan điểm diều hâu về động thái tăng lãi suất.

Đặc biệt, sẽ huy động được dòng tiền nhàn rỗi đổ nhiều hơn vào nền kinh tế”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, mặc dù nhóm ngành xuất khẩu là một trong 5 nhóm ngành của gói tín dụng ưu tiên từ vài năm qua nhưng tổng dư nợ phục vụ xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 330 nghìn tỉ đồng chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với các nhóm ngành khác ví dụ như bất động sản.

Dựa trên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% năm nay, các chuyên gia của VIS Rating cũng ước tính tổng dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm nay còn tới 1,4 triệu tỉ đồng cho ba quý còn lại của năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn