MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các khoản chi phí cố định hoặc chi phí sinh hoạt thiết yếu. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Cách tính lãi thẻ tín dụng và phí trả chậm ít người biết

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT LDO | 20/05/2023 19:30
Thẻ tín dụng là một trong những công cụ chi tiêu hiện đại. Tuy nhiên, việc thiếu quan tâm đến các điều khoản, biểu phí khi sử dụng thẻ đã khiến không ít người phải tốn tiền cho các khoản lãi và phí.

Sao kê thẻ tín dụng có các thông tin chính sau: thời gian sao kê, dư nợ, số tiền thanh toán tối thiểu, ngày đến hạn thanh toán và chi tiết các giao dịch trong vòng 1 tháng. Những dữ liệu này sẽ được gửi đến chủ thẻ trước hạn thanh toán ít nhất 15 ngày, tức chủ thẻ có đến 45 - 50 ngày chi tiêu miễn lãi. 

Khoản thanh toán tối thiểu thường ở mức 5% số dư nợ. Con số này cho biết chủ thẻ cần trả tối thiểu bao nhiêu để không bị xem là quá hạn nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, chủ thẻ cần chú ý đến số tiền thanh toán tối thiểu bởi họ sẽ trả ở mức này thay vì trả toàn bộ dư nợ.

Một số chủ thẻ tín dụng chưa hề đọc chi tiết bảng sao kê mà chỉ xem qua các thông tin vắn tắt về số tiền cần chi trả hàng tháng theo thói quen chi trả số tối thiểu. Đôi khi nhiều chủ thẻ lơ là, quên thanh toán số dư tối thiểu đúng hạn dẫn đến việc phải trả thêm nhiều khoản như tiền phạt chậm thanh toán, tiền lãi quá hạn. 

Sau đây là ví dụ tham khảo:

Trường hợp 1: Giả sử thẻ tín dụng có hạn mức 40 triệu đồng.

Thời gian sao kê: 26.3 - 25.4.2023

Ngày đến hạn thanh toán: 22.5.2023

Lãi suất thẻ tín dụng: 2,7%/tháng, tương đương 32,4%/năm

Phí phạt chậm thanh toán 6% (tối thiểu 150.000 đồng)

Ngày 29.3.2023, bạn tiêu 5 triệu đồng. Ngày 20.4.2023, chủ thẻ tiêu 6 thêm triệu đồng. 

Ngày 25.4.2023, ngân hàng chốt sao kê. Chủ thẻ phải thanh toán vào ngày 22.5.2023, số dư nợ cần thanh toán là 11 triệu đồng, khoản thanh toán tối thiểu là 5% tương ứng 550.000 đồng. 

Nếu thanh toán 11 triệu đồng trước 22.5.2023, bạn sẽ không bị tính lãi.

Nếu vào ngày 20.5.2023, chủ thẻ thanh toán 8 triệu đồng thì sẽ chịu tiền lãi trên dư nợ gốc là 395.902 đồng, cách tính như sau:

Từ 29.3 - 19.4 : 5.000.000 x 32,4%/365 x 21 = 97.644

Từ 20.4 - 19.5 : 11.000.000 x 32,4%/365 x 30 = 292.932

Từ 20.5 - 22.5 : 3.000.000 x 32,4%/365 x 2 = 5.326

Nếu chủ thẻ thanh toán trễ hạn hoặc dưới số tối thiểu, ngoài tiền lãi trên chủ thẻ còn phải trả phí phạt chậm thanh toán là 150.000 đồng (do 550.000 x 6% = 33.000 < 150.000). Chủ thẻ sẽ phải tiếp tục trả lãi cho đến khi thanh toán hết số dư nợ của kì sao kê này.

Trường hợp 2 : Rút tiền từ thẻ tín dụng

Ngày 28.1.2023, bạn rút 10 triệu đồng tiền mặt.

Phí rút tiền mặt thẻ tín dụng là 4% số tiền rút, tương đương 400.000 đồng.

Lãi suất rút tiền thẻ tín dụng là 4% tính đến ngày sao kê 25.2.2023, tương ứng: 10.000.000 x 4%/365 x 28 = 30.685 đồng

Nếu không thanh toán toàn bộ dư nợ của kì sao kê, chủ thẻ còn bị tính thêm lãi suất thẻ tín dụng. Điều khoản, biểu phí và lãi của mỗi ngân hàng, mỗi hạng thẻ tín dụng áp dụng khác nhau, kết quả sẽ có khác biệt. 

Chủ thẻ nên đăng ký trích nợ thẻ tín dụng tự động và đặt lịch nhắc nhở chuyển đủ tiền vào tài khoản thanh toán. Việc nắm rõ các điều khoản, biểu phí và lãi suất của thẻ tín dụng và thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn giúp bạn có thêm kênh thanh toán, chi tiêu không mất phí.

Bạn chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các khoản chi phí cố định hoặc chi phí sinh hoạt thiết yếu, để hưởng những ưu đãi về hoàn tiền khi chi tiêu, hạn chế sử dụng thẻ cho các chi phí hưởng thụ, giải trí vì dễ chi tiêu quá đà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn