MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghỉ hưu ở tuổi 50 là mơ ước của rất nhiều người. Ảnh: SunLife

Cách tính số tiền để nghỉ hưu sớm chuẩn nhất mà người dân cần biết

Đức Mạnh LDO | 15/04/2023 09:00

Nếu cân nhắc 3 yếu tố về rủi ro đầu tư, nhu cầu cho người phụ thuộc và lạm phát thực tế thì quy tắc 4% để nghỉ hưu chỉ có giá trị tham khảo.

Nghiên cứu năm 1994 của một nhà tư vấn tài chính ở Mỹ đã chỉ ra rằng, nhà đầu tư rút ra 4% trên tổng tài sản trong năm đầu. Những năm sau cũng rút 4% nhưng có điều chỉnh lạm phát thì người đó có thể nghỉ hưu an toàn trong 30 năm. 

Lấy ví dụ, nếu bạn xác định trung bình chi phí một năm của mình sau khi về hưu sẽ là 200 triệu đồng thì số tiền cần để nghỉ hưu tối thiểu là 5 tỉ đồng (200.000.000/4%).

Tuy nhiên chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối tài chính cá nhân tại FIDT - lưu ý nếu cân nhắc 3 yếu tố về rủi ro đầu tư, nhu cầu cho người phụ thuộc và lạm phát thực tế thì quy tắc 4% chỉ có giá trị tham khảo.

"Vì công thức này được phát triển cách đây 30 năm và thế giới hiện tại đã quá khác biệt, cũng như sẽ còn nhiều khác biệt nữa trong 30 năm tới. Sự phát triển mạnh của công nghệ làm tối ưu cuộc sống, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của con người, tạo ra nhiều loại hình đầu tư mới và cũng có thể xóa sổ nhiều mô hình đầu tư cũ", ông Huấn giải thích.

  Ông Ngô Thành Huấn chia sẻ về lập kế hoạch nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 trong chương trình Tài chính thông minh. Ảnh: Đức Mạnh

Trong thực tế, khi tính toán kế hoạch hưu trí cho khách hàng, gần như cách duy nhất mà các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân được đào tạo thực tiễn và đang áp dụng là mô hình dòng tiền theo thời gian. Ở đó, các bước thực hiện về cơ bản như sau:

Một là nhu cầu về chi tiêu của bản thân và người phụ thuộc trong toàn bộ vòng đời dự kiến. Sau đó đưa mức lạm phát điều chỉnh và lạm phát lối sống tương ứng vào từng giai đoạn cụ thể để cho ra mức sinh hoạt phí an toàn nhất. 

Hai là trong số các chi tiêu sau hưu trí, chăm sóc sức khỏe đặc biệt quan trọng. Bạn đã chuẩn bị các cơ chế bảo vệ đến mức độ nào? Bên cạnh bảo hiểm y tế, rất có thể bạn sẽ cần đến các nguồn kinh phí bổ sung từ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ. 

Ba là khả năng tạo thu nhập chủ động. Bạn có những năng lực, kinh nghiệm nào để tạo thu nhập chủ động và có thể duy trì trong bao lâu, kể cả sau khi về hưu phòng khi việc đầu tư bất trắc hoặc nhu cầu sinh hoạt phí của bạn tăng lên. 

Bốn là kế hoạch đầu tư dài hạn và các kịch bản tốt, bình thường, tiêu cực để điều chỉnh thu nhập và chi phí tương ứng.

Năm là kế hoạch thừa kế dự kiến. Ông Huấn nói: "Chúng ta vẫn luôn muốn hỗ trợ và để lại một phần tài sản cho con cái nên đừng chỉ nghĩ đơn giản là 18 tuổi thì con sẽ tự lập và phải tự lập, đặc biệt là văn hóa người Việt mình. Khi bạn già đi, nhu cầu này sẽ càng lớn".

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn