MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới Việt Nam phát triển, thu nhập cao

Đức Mạnh LDO | 10/02/2024 07:41

Trong ngày đầu xuân năm mới Tết Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những triển vọng của kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng cho biết những kết quả quan trọng của năm 2023 đã góp phần nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

Năm 2024, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, diễn biến khó lường. Xin Bộ trưởng cho biết các động lực và giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong 2024?

- Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển 5 năm 2021 - 2025, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Chủ động tham mưu, ban hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại... để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước...

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó tập trung đào tạo 50 - 100 nghìn nhân lực trong giai đoạn 2025 - 2030.

Tập trung xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Ảnh: Đền Phú

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa kết quả làm việc của lãnh đạo cấp cao với các đối tác, những thắng lợi trong công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế năm 2023…

Thưa Bộ trưởng, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực để đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bộ trưởng có thể chia sẻ về việc chúng ta cần hiện thực hóa tầm nhìn này như thế nào?

- Trước hết, cần khẳng định mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 là đầy tham vọng, rất khó khăn, nhiều thách thức. Nhưng cũng cần khẳng định rằng, mục tiêu này không phải không khả thi, hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong 3 đột phá nêu trên, đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất bởi đột phá này làm nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công. Để hiện thực hóa đột phá về thể chế, đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phải theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại. Có tính chủ động, có tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quyết tâm, nỗ lực thực hiện trong bối cảnh này là rất đúng và trúng. Ảnh: MPI

Ngoài ra, nội dung về môi trường đầu tư kinh doanh cũng luôn cần được chú ý trong bối cảnh mới, luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất định, rủi ro luôn đi kèm với cơ hội.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Đảng ta đã xác định phát triển đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ lâu dài, cần phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Trong thời gian tới, tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn