MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cam sành Hà Giang là điểm nhấn chủ đạo trong không gian hội chợ.Ảnh: Kh.V

Cam sành Hà Giang và đặc sản vùng cao làm ấm không khí đón Noel tại Hà Nội

PV LDO | 20/12/2017 08:59
Tối 19.12, hội chợ nông đặc sản vùng miền, quà tặng Noel và Tuần lễ cam sành Hà Giang đã khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Hội chợ diễn ra từ 19-25.12, trong khuôn khổ hội chợ nông đặc sản các vùng miền còn diễn ra “Hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối nông sản an toàn”.

Đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNT, Sở Công Thương Hà Nội và các đại biểu tham quan gian hàng đặc sản miền núi phía Bắc. Ảnh: Minh Long 

Với “Tuần lễ cam sành Hà Giang 2017”, cùng với cam sành, được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP đã được cấp chỉ dẫn địa lý, còn có những nông đặc sản là lợi thế của Hà Giang như: Chè San Tuyết, mật ong bạc hà, dược liệu… Những sản phẩm này đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - cho biết: Cam sành Hà Giang là một đặc sản nổi tiếng ở miền Bắc. Hiện nay, tổng diện tích cam Hà Giang đã phát triển lên 7.900ha (trong đó diện tích đã cho thu hoạch mới đạt 3.600ha), tập trung chủ yếu tại 2 huyện Quang Bình và Vị Xuyên.

Để tránh cảnh được mùa rớt giá, UBND tỉnh Hà Giang đã khống chế chỉ dừng lại ở quy hoạch là 8.000ha. Mặc dù năng suất, sản lượng ngày càng tăng lên nhưng người Hà Nội rất khó mua được cam sành xịn. Trong khi đó, nhiều tư thương nhập các loại cam không rõ nguồn gốc đưa về Hà Nội bán nhưng mượn danh là cam sành Hà Giang, khiến người tiêu dùng khó phân biệt khi mua sắm. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi đi tìm đầu ra cho cam sành Hà Giang là không kết nối được nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ vì chưa có chứng nhận về nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm.

Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) cho biết: Hội chợ có quy mô gần 200 gian hàng trưng bày hầu hết các sản phẩm nông sản, đặc sản các vùng miền trên cả nước, trong đó nhấn mạnh vào những đặc sản vùng cao như: Bưởi Chi Lăng (Lạng Sơn), nếp Tú Lệ (Yên Bái), cam Cao Phong (Hòa Bình) và đặc sản là cam sành Hà Giang … 

Việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ hội chợ, ban tổ chức còn chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hoạt động quảng bá ẩm thực, văn hóa vùng cao và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí diễn ra trong suốt thời gian tổ chức hội chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn