MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh giao dịch ngầm mua bán tài khoản ngân hàng

NHÓM PV LDO | 07/12/2022 16:12

Hoạt động thuê mướn, mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra ngang nhiên, cả trực tiếp lẫn ồ ạt trên chợ mạng mà không hề bị kiểm soát. Hầu hết đứng sau hoạt động này đều là những mục đích hòng trục lợi, che giấu dòng tiền và trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. 

Từ “bình phong” ở những game cờ bạc trái phép

Sinh năm 1999, trượt đại học, cho đến hiện tại, Hải không có một công việc gọi là cụ thể. Từ khoảng 3 năm nay, nhờ có ông anh hướng dẫn, Hải biết đến một cách kiếm tiền kì lạ - cho thuê tài khoản ngân hàng mang tên mình. 

Giờ đây, công việc thường ngày của Hải là săn lùng khách trong những nhóm kín trên mạng xã hội. Những nhóm này chỉ dành riêng cho các đối tượng có nhu cầu thuê mướn, mua bán tài khoản ngân hàng.

Phải mất nhiều ngày thuyết phục, trong vai một người có nhu cầu thuê số tài khoản cho khách nạp game, PV mới có thể chốt được kèo giao dịch trực tiếp với Hải.

Chỉ sau vài câu chào hỏi, Hải đã vào việc ngay: “Nếu anh muốn thuê để trưng lên cổng game thì lấy tài khoản thật để tránh bị khoá hoặc niêm phong. Nếu dùng tài khoản ảo thì chỉ 1 - 2 tuần sẽ bị khoá. Dân làm game đa phần là đi thuê vì không muốn dính dáng đến tài khoản người ta. Em thường cho thuê giá 3 triệu trong 6 tháng. Khách mới em lấy 2 triệu, còn anh muốn thuê ngắn hơn cũng có giá luôn".

Hải vừa nói, vừa rút điện thoại lấy ra bức ảnh cho thấy tài khoản ngân hàng của mình từng được đứng trên một cổng game tài xỉu. Hải cho hay, đây là game cờ bạc có tên No 1, cho thuê khoảng cuối 2019, đến nửa năm sau thì sập. Khi đó, chủ game đã thuê tài khoản ngân hàng của Hải để hiện lên cổng cho khách nạp tiền, mức giá là 1,5 triệu đồng cho 3 tháng. Hết 3 tháng, chủ game tiếp tục nhờ Hải đổi cho một tài khoản ngân hàng đứng tên người khác.

Tài khoản ngân hàng được chính nhân vật cho biết cho thuê lại để nhận tiền nạp game cờ bạc online. Ảnh: Nhóm PV.

Khi PV tỏ ra lo ngại về rủi ro mất tiền hoặc lộ vết nếu thuê lại tài khoản, Hải lập tức trấn an: “Mất tiền em bảo hành hết cho anh. Em sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm những gì liên quan đến tài khoản đó. Kể cả khi công an hỏi em sẽ khai là quen biết trên mạng thôi, em đang cần tiền, người ta thuê của em thì em làm thôi, chả làm gì được".

Chưa dừng lại ở đó, Hải còn nhanh nhảu khoe về khả năng có thể mở tài khoản ngân hàng số lượng lớn theo nhu cầu. Hải nói rằng, nếu sau 3 tháng thuê tài khoản chính chủ kia, muốn đổi sang một tên khác cũng có ngay. Hải có một kho tài khoản ngân hàng với đủ các ngân hàng lớn hoặc nếu đã cho thuê hết, Hải sẽ đi thuê người khác với giấy tờ CMND của họ để làm một tài khoản mới tinh.

This browser does not support the video element.

Việc cho thuê tài khoản ngân hàng kiếm lời được vài triệu đồng mỗi tháng. Video: Nhóm PV.

“Em thường đi thuê đội làm cửu vạn, cho người ta từ 500 nghìn đến 1 triệu. Ốp họ phải đi làm tài khoản với CMND của họ nhưng với số điện thoại, email của mình, cấp thẻ về địa chỉ của mình. Lúc đó họ cũng chẳng biết rằng mình dùng tài khoản đó để nạp game hay làm gì, cũng không ra chi nhánh khoá tài khoản quay đầu được. Đơn giản vì họ hiểu biết kém thôi. Bây giờ chỉ cần mối ngon có nhu cầu mở một loạt tài khoản mới, dưới thông tin khác nhưng phải là thông tin thật, em sẽ lấy giá 5 triệu/tài khoản." - Hải cho biết.

Theo Hải, sau khi thuê tài khoản, nếu lượng tiền về nhiều quá sợ bị nghi ngờ có thể thuê thêm hoặc mua lại một tài khoản mới tinh. “Khi tiền khách nạp game kia dồn vào một đống. Nếu anh không có tài khoản rửa thì anh chuyển vào tài khoản đó. Hoặc chuyển đến tài khoản người khác thật ra rút tiền” - Hải cho hay.

Tại cuộc giao dịch, Hải còn sẵn sàng cho khách chụp lại CMND chính chủ và để khách cầm luôn sim đã đăng ký tài khoản ngân hàng cho thuê.

Sim đăng ký tài khoản ngân hàng cho thuê còn mở được ví điện tử, tiếp tục làm nơi nhận tiền đánh bạc online. Ảnh: Nhóm PV.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều những cuộc thuê mướn, mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra. Những cuộc giao dịch như vậy vẫn diễn ra ngang nhiên, cả trực tiếp lẫn ồ ạt trên chợ mạng và không hề bị kiểm soát.

Đến trắng trợn trục lợi từ thiện

Báo Lao Động từng nhận được phản ánh của chị Bùi Thị Lan (xóm 3, Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) về việc bị mạo danh lừa đảo từ thiện. Trước đó, chị Bùi Thị Lan là nhân vật trong bài viết “Mẹ nghèo xin cơm cháo từ thiện, gắng gượng nuôi 2 con bại não” được Báo Lao Động đăng tải. 

Sau khi bài viết lên trang, nhiều bạn đọc đã gọi điện, hỏi thăm và gửi quà cho gia đình. Những chia sẻ ấy, theo chị Lan, là động lực lớn để người mẹ này tiếp tục vững tin trên hành trình chữa bệnh cho các con của mình.

Tuy nhiên, sau đó, chị Lan bất ngờ phát hiện có người sử dụng những thông tin về hoàn cảnh của mình để trục lợi. Theo đó, kẻ xấu đã tự ý lấy hình ảnh hai người con bại não của chị Lan để đăng tải lên nhiều hội nhóm trên mạng xã hội. Dùng câu chuyện đáng thương để lôi kéo sự chú ý của người dùng nhưng cuối bài viết lại là một số tài khoản lạ hoắc, không hề được gia đình chị Lan cho phép.

Theo ghi nhận của PV, các bài viết mạo danh trên yêu cầu người ủng hộ chuyển tiền về cho “Đinh Thị Chăm” với số tài khoản 19037278998*** thuộc một ngân hàng thương mại lớn.

Sau khi nhận được phản ánh, cơ quan công an sau đó đã vào cuộc điều tra, thông tin ban đầu cho thấy, tài khoản ngân hàng mà các đối tượng mạo danh nêu trên được thuê lại của người dân với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn