MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo thông tin trên website của FE CREDIT, người dân có thể vay tiền mặt đến 70 triệu đồng, không cần thế chấp. Ảnh: N.Văn

Cần chấn chỉnh hoạt động thu nợ của các công ty tài chính

Văn Nguyễn LDO | 01/07/2020 11:43

Liên quan đến cái chết của một khách hàng đang vay vốn tại FE CREDIT, tiếp sau yêu cầu xác minh làm rõ của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu ngân hàng VPBank và công ty tài chính trực thuộc là FE CREDIT phải rà soát toàn bộ quy trình cho vay, thu hồi nợ cũng như các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ.

Chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE CREDIT

Thông tin từ Cổng thông tin của Văn phòng Chính phủ cho hay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin liên quan đến một khách hàng “Trả nợ cho FE CREDIT bằng cách tìm cái chết”. Trong đó phản ánh trường hợp ông Lê Thành Tâm (ở phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) sau khi vay tiền của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT), ngày 19.6.2020 bị một nhóm đối tượng côn đồ công khai đến nhà đe dọa, chửi bới, hành hung và áp tải vợ chồng ông Tâm về trụ sở Công ty để tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ. Các đối tượng côn đồ còn đe dọa nếu ông Tâm không trả tiền trước ngày 22.6.2020, chúng sẽ giết ông Tâm.

Ông Tâm sau đó nhảy sông tự tử vào ngày 21.6.2020, để lại nhiều giấy tờ liên quan đến khoản nợ. Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin nêu trên, nếu đúng phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10.7.2020.

Liên quan đến vụ việc đòi nợ của FE CREDIT đối với khách hàng vay, Ngân hàng Nhà nước ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng có văn bản, trong đó yêu cầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), FE CREDIT rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE CREDIT về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ.

Đồng thời chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE CREDIT, trong đó bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE CREDIT với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của FE CREDIT” - văn bản của NHNN nhấn mạnh.

Cần làm rõ cơ chế ủy quyền thu hồi nợ

Trong thông tin được gửi tới báo chí, FE CREDIT cho hay, khách hàng Lê Thành Tâm hiện đang có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đồng tại FE CREDIT và số ngày quá hạn của 2 hợp đồng này lần lượt là 257 ngày và 347 ngày. Các khoản nợ xấu trên 180 ngày sẽ được công ty này chuyển cho các đối tác thực hiện việc thu hồi nợ và thực tế 2 hợp đồng có nợ quá hạn nêu trên của khách hàng Lê Thành Tâm cũng được FE CREDIT chuyển cho đối tác thu hồi khoản nợ quá hạn.

Về trách nhiệm và phạm vi quyền hạn của đối tác thu hồi nợ, FE CREDIT cho biết, doanh nghiệp này có hệ thống văn bản nội bộ, trong đó có chế tài nặng đối với trường hợp đối tác vi phạm quy định của FE CREDIT nhằm đảm bảo tính tuân thủ của pháp luật.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Công ty Luật Vimax Châu Á cho rằng, quá trình xác minh vụ việc này cần làm rõ cơ chế ủy quyền thu hồi nợ của FE CREDIT với đối tác, trong đó cần xác minh rõ FE CREDIT trực tiếp thu đòi nợ hay ủy quyền cho đơn vị thứ 3 đòi nợ thay và đơn vị được ủy quyền đòi nợ thay có được phép hoạt động đòi nợ hay không.

Thực tế nhiều công ty tài chính hiện nay thay vì có bộ phận xử lý nợ lại thường ủy quyền cho đơn vị thứ 3 thực hiện thu hồi nợ, người được ủy quyền khi đó sẽ có quyền và trách nhiệm như là quyền của chủ nợ. “Đây là hoạt động được điều chỉnh trong Luật Dân sự, luật pháp quy định rất rõ ràng là người nhận ủy quyền mà khi thu hồi công nợ vượt quá giới hạn của hành vi được ủy quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đức Toàn, trong trường hợp đơn vị được ủy quyền mà trong quá trình thu hồi, đòi nợ có hành vi đe dọa, dùng vũ lực hoặc có hành vi ép buộc người nợ phải trả nợ có thể bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản, đe dọa thân thể, sức khỏe và tính mạng của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

“Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ” - Luật sư Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính hiện nay, Giám đốc Công ty Luật Vimax Châu Á cho rằng phải xem xét lại khâu thẩm định khoản vay, trách nhiệm thẩm định cho vay của công ty tài chính đối với khách hàng để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Thực tế theo chính các thông tin mà FE CREDIT cung cấp tới báo chí, ngoài 2 khoản nợ xấu tại FE CREDIT, FE CREDIT cũng biết rõ thông tin khách hàng Lê Thành Tâm còn có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng. 

Người dân có quyền tố giác hành vi phạm tội tới cơ quan chức năng

Để tránh những vụ việc tương tự, Luật sư Nguyễn Đức Toàn cho rằng, trong trường hợp khách hàng vay tiền tại các công ty tài chính thấy rằng thân thể, tính mạng, thậm chí uy tín của bản thân bị đe dọa bởi các công ty đòi nợ, theo luật, người dân có quyền tố giác hành vi phạm tội tới cơ quan chức năng. Người vay có thể gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp và theo quy định khi nhận được đơn, cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát nhân dân sau khi nhận đơn tố giác tội phạm có phạm vi 2 tháng để giải quyết vụ việc. Quan trọng là người dân và người vay tiền cần tìm hiểu quy định của pháp luật để vận dụng, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe, tính mạng của bản thân không bị xâm phạm. N.VĂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn