MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản. Ảnh: Gia Miêu

Cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong xử lý nợ xấu

Gia Miêu LDO | 21/05/2023 08:58

Tỉ lệ nợ xấu đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn 1 năm và có xu hướng tiếp tục tăng khiến khối ngân hàng lo ngại.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính tới cuối tháng 2.2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%. Rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi, nợ xấu hai lĩnh vực này tăng nhanh.

Chẳng hạn, nợ xấu trong quý I/2023 của TPBank tăng 84%, từ 1.357 tỉ đồng lên gần 2.500 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 385 tỉ đồng lên gần 1.200 tỉ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64%; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6%. Điều này khiến tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của TPBank ở mức 1,45%, trong khi cuối năm 2022 là 0,84%. Tương tự, số dư nợ xấu cuối quý I/2023 của MB là 8.452 tỉ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2022, trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, đưa tỉ lệ nợ xấu từ 1,09% lên gần 1,76%.

Tại khối ngân hàng có vốn nhà nước, BIDV ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng hơn 40% trong quý đầu năm 2023, lên 24.730 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 127%, nợ nhóm 4 tăng 59%, nợ nhóm 5 tăng 13%. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,59%. Nợ xấu tại Vietcombank tính đến 31.3.2023 tăng hơn 27% so với cuối năm 2022, lên 9.942 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,68% lên 0,85%.

Báo cáo của NHNN cho thấy trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được 21.300 tỉ đồng nợ xấu; chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành có nguy cơ chuyển nợ xấu trong thời gian tới.

Xử lý nợ xấu cần dòng vốn ngoại tham gia. Ảnh: Hải Nguyễn 

Nợ xấu đang tăng nhanh và vẫn tiếp tục tăng trong khi hành lang pháp lý xử lý nợ xấu còn quá nhiều vướng mắc là vấn đề nhức nhối hiện nay. Mặc dù dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đã bổ sung một chương về xử lý nợ xấu song theo các chuyên gia, điều này cũng chỉ có ý nghĩa tương tự như gia hạn thêm Nghị quyết 42/2017/QH14. Thực tế, xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc mà dự thảo luật chưa đề cập tới.

Theo ý kiến phản ánh từ nhiều lãnh đạo ngân hàng thì các công ty AMC có năng lực tốt có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu cho nhiều tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, hiện chỉ một số ngân hàng có công ty AMC, trong khi việc thành lập AMC tại một vài TCTD khác đang gặp vướng mắc, bao gồm cả quy định về điều kiện xin cấp phép. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%.

Bên cạnh đó, việc định giá nợ xấu về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng chưa thể thực hiện. 

Theo  luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS, cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong tham gia giải quyết nợ xấu. Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. Về xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, là nút chặt khiến các tổ chức phi ngân hàng không muốn tham gia mua bán nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn