MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần có thái độ cứng rắn với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Cường Ngô LDO | 29/04/2023 19:01
Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, cần có thái độ cứng rắn và yêu cầu quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ổn định, thực hiện đúng cam kết với khách hàng và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Nguồn cung xăng dầu đảm bảo

Bộ Công Thương vừa công bố thông tin về cuộc họp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 diễn ra ngày 28.4.

Báo cáo về tình hình thị trường và nguồn cung xăng dầu trong nước, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, tổng nguồn cung xăng dầu từ 3 nguồn nhập khẩu, sản xuất và pha chế trong quý I/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 21,9% tổng nguồn xăng dầu năm 2023.

Với sản lượng trên, ông Đông đánh giá, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối, cung ứng xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Cần nghiên cứu đến việc tăng sản lượng phân giao trong thời gian tới

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra ổn định, nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý, bám sát giá thế giới.

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nguồn cung trong nước vẫn còn bị động bởi hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm không ổn định, ảnh hưởng đến tính chủ động của nguồn cung xăng dầu trong nước. 

Về nguồn cung nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao; chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa làm tốt công tác truyền thông để nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch, không đáng có. 

Hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023. Ảnh: MOIT 

Trưởng ngành Công Thương cũng cho rằng, với dự báo kế hoạch phân giao như hiện nay, nếu kinh tế đất nước đạt được như kỳ vọng, cần nghiên cứu đến việc tăng sản lượng phân giao trong thời gian tới để chủ động trong mọi tình huống.

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan chức năng cần có giải pháp đủ mạnh và khả thi để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường trong mọi tình huống.

Cụ thể, tăng tổng nguồn cho các thương nhân đầu mối và quy định tiến độ nhập khẩu xăng dầu cụ thể để kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần chỉ đạo các nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện để đảm bảo hoạt động ổn định đủ nguồn cung ra thị trường trong nước theo cam kết.

"Trường hợp có sự cố phải báo trước hàng tháng; hỗ trợ bồi hoàn tránh thiệt hại cho các bên liên quan; khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu để công bố, công khai kế hoạch và khả năng sản xuất, khả năng cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm" - ông Diên nói.

Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, bộ trưởng đề nghị, cần có thái độ cứng rắn và yêu cầu quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ổn định, thực hiện đúng cam kết với các khách hàng và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn