MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xưởng sản xuất của một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt may. Ảnh: MPI

Cần có tổ hợp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Cao Nguyên LDO | 06/02/2021 10:00
Dịch COVID-19 lại bất ngờ bùng phát trong những ngày giáp Tết Nguyên đán khiến nhiều người lo lắng. Nền kinh tế nước nhà một lần nữa thêm nhiều gánh nặng, “khó chồng khó”. Dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với khu vực doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ban hành nhưng khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng.

Vốn quyết định thành công

Tác động tiêu cực dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. Theo số liệu, đến tháng gần hết năm 2020, đã có khoảng 15 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Đáng nói số DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44 nghìn DN. Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 DN đã phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và tập trung vào nhóm DNNVV. Trong đó có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỉ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỉ đồng hỗ trợ DN trả lương cho người lao động. Có thể nói, một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống. Thực tế cho thấy, những DN đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch COVID-19 tại Việt Nam là các DNNVV, siêu nhỏ, các DN hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn. Đây là nhóm DN yếu thế đang chịu thiệt thòi.

Là DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Cty CP ECOTO Việt Nam chia sẻ, công ty đã nhận được sự hỗ trợ tương đối tốt từ Quỹ hỗ trợ DNNVV - Bộ KHĐT cho vốn đầu tư vào thiết bị. Tuy nhiên, chính sách về hỗ trợ vốn lưu động, tài sản vô hình vẫn chưa được đề cập, chưa được chú trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay nếu có chính sách hỗ trợ vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng sớm sẽ giúp DN vượt qua được giai đoạn này khi có vốn trả lương cho nhân viên, các chi phí thường xuyên khác như nguyên vật liệu, vật tư tiêu hao.

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, vốn quyết định 45 - 50% sự thành công của DN, đặc biệt là đối với DNNVV. Thực tế hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho DNNVV vay, nhưng cũng nhiều DN chưa vay được. Do đó, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị, Ngân hàng Nà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của DNNVV để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy DN mới tiếp cận được vốn.

Phải cho vay tín chấp

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều dư địa tăng trưởng, Chính phủ cần một kế hoạch cụ thể vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV. Ông Hiếu đề xuất thành lập một tổ hợp tín dụng để hỗ trợ DN, trong đó Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì xây dựng, còn các ngân hàng đều phải tham gia với mức 3-3,5% tổng dư nợ hiện tại. Theo dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến cuối tháng 8 là 8,59 triệu tỉ đồng thì ngành ngân hàng sẽ có tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng, tương đương gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Đặc biệt quan trọng nhất là phải cho vay tín chấp. DN đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên giờ muốn cứu họ không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được” - ông Hiếu nói và cho biết thêm để giảm thiểu rủi ro thì tổ hợp tín dụng này phải làm việc với quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ. Quỹ bảo lãnh tín dụng đó họ bảo lãnh cho các ngân hàng khi các ngân hàng dùng tiền của mình để cho DN vay.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc đưa ra các gói để hỗ trợ DN thời gian qua chưa thấm vào đâu so với sự thiệt hại do ảnh hưởng của COVID-19. “Hiện nay quỹ phát triển DNNVV thuộc Bộ KHĐT đang chuyển đổi mô hình cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp. Việc này giúp họ trở thành như một ngân hàng, được tự xét hồ sơ vay, có tiền của Chính phủ, được thu hồi nợ, giải ngân,…” - ông Hiếu nói thêm.

Nói thêm về việc đề xuất sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, ông Hiếu cho rằng đây là một luật DN để ngân hàng dựa vào đó hỗ trợ, chứ không bắt buộc ngân hàng phải tham gia. Đến cuối cùng quyết định cho vay hay không vẫn là ở ngân hàng. Luật Hỗ trợ DN không ép buộc ngân hàng cho vay được. Việc cho vay thuộc về luật tổ chức tín dụng.

Tiếp tục miễn giảm thuế, phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bộ đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới.

Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để DN hoạt động ổn định và phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn