MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang nghiên cứu đề án thu phí xe ôtô đi vào khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: M.Q

Căn cứ nào nói 49% ôtô sẽ không vào trung tâm TP khi thu phí?

MINH QUÂN LDO | 12/12/2017 14:27
Đơn vị nghiên cứu đề án thu phí xe ôtô lưu thông vào trung tâm TPHCM đánh giá trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm TP giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%. 

Ngày 12.12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Thu phí xe ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông”.

Theo đại diện Cty CP công nghệ Tiên Phong (đơn vị tư vấn đề án), có 34 cổng thu phí được xây trong vành đai khép kín (bao quanh quận 1 và 3), nhằm giảm lượng ôtô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm.

Phí xây dựng khoảng 1.500 tỉ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2020-2035).

Khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản.

Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.

Về mức phí, ôtô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%.

Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp.

Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng 8%, vận tốc lưu thông tăng 10,3%.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng không có cơ sở nào để tiên liệu con số 49% ôtô sẽ không vào trung tâm TP khi thu phí. Muốn tính toán phải có ví dụ, thống kê, so sánh tổng hợp trong một thời gian để thấy là quy luật, mới có thể kết luận được.

Ông Ninh nhận định, với những người đã có điều kiện mua xe ôtô hàng trăm triệu đồng thì 30.000 – 50.000 đồng/lượt không phải là vấn đề to tát, họ sẵn sàng trả tiền. Còn 76% người dân TP đi bằng xe cá nhân, trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển. Vì vậy, mục tiêu đề án là giảm UTGT tăng nhu cầu vận tải HKCC là khó khả thi.

Tương tự, ông Đồng Văn Khiêm - Thành viên hội đồng tư vấn phản biện (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM), cho rằng để kết luận hiệu quả dự án thì điều tra khảo sát ban đầu phải đánh giá bằng con số cụ thể.

Trong đó, nếu trung tâm TP ùn tắc do phương tiện nhiều thì phải có số lượng phương tiện vào trung tâm, bao gồm thời gian cao điểm, thấp điểm, các loại xe. Trên cơ sở đó, phân tích con số cụ thể, những xe nào có thể hạn chế, từ đó giảm được bao nhiêu lượng xe đi vào trung tâm TP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn