MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rõ ràng chính sách và tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Đồ hoạ: Phương Anh

Cần đơn giản và rõ ràng các quy định về tiêu chuẩn kinh tế xanh

Phương Anh LDO | 28/05/2024 18:17

Theo đánh giá từ các chuyên gia, tiêu chuẩn nền kinh tế xanh cần sự phối hợp giữa các quốc gia, đặc biệt là đơn giản và rõ ràng các quy định.

Nguồn nhân lực của doanh nghiệp, chính sách và tiêu chuẩn quốc tế đều là những rào cản lớn

Là một doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, bà Claudia Anselmi - Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết bản thân luôn tin vào việc phát triển bền vững sẽ đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy kinh tế.

Tại diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hôm nay (ngày 28.5), bà chia sẻ: "Chuyển đổi số, xanh hoá tiêu chuẩn… đều là những yêu cầu bắt buộc để xây dựng chính sách hướng tới quá trình xanh hóa, cải tiến lĩnh vực đầu tư, thương mại. Vì vậy, ngay từ năm 2022 khi bắt đầu, tôi luôn tuân thủ và thực hiện những bước chuyển đổi".

Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức. Ảnh: ACCA

Theo vị chuyên gia, một vấn đề lớn khi thúc đẩy kinh tế bền vững chính là kiến thức và sự hiểu biết. Không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn, đặc biệt là Việt Nam và những quốc gia ASEAN. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ… Các hệ thống đều phức tạp, cần nhiều vốn, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh còn khá chậm và thấp. Tại Việt Nam, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn này chỉ chiếm khoảng 4 - 5%.

Bà Claudia Anselmi cho biết các doanh nghiệp không thể tự vận hành mà cần hệ thống về học thuật, tài chính, kế toán và những quy định của pháp luật… Ảnh: ACCA

Bổ sung thêm, bà Julia Tay - lãnh đạo Chính sách Công cộng Châu Á - Thái Bình Dương, EY - nhận định: "Để có thể phát triển kinh tế bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn, việc ban hành chính sách từ phía trên là một rào cản chưa thể khắc phục. Hiện nay, các doanh nghiệp hầu hết đều cần sự tham gia của các bên liên quan để đưa ra chính sách về phạm vi, tốc độ, phương pháp tiếp cận...".

Đơn giản hoá chính sách, hoàn thiện báo cáo bền vững để thúc đẩy kinh tế xanh

Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn hạn chế trong việc phát triển kinh tế bền vững, bà Claudia Anselmi nhấn mạnh các doanh nghiệp cần thực hiện việc công bố báo cáo bền vững. Trong đó có các yếu tố về dữ liệu, chiến lược và môi trường.

Các bên cung cấp dịch vụ có thể tổ chức khóa đào tạo, nhằm tìm hiểu toàn diện và đầy đủ. Đây là một hành trình khá dài, có thể hỗ trợ trong việc sắp xếp, đảm bảo tính chính xác, cơ chế thu nhập dữ liệu tốt của các doanh nghiệp.

"Tại Việt Nam, có thể nói chậm hơn một số quốc gia khác về yếu tố này. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy vấn đề số hoá, tính bền vững của môi trường… bằng việc cố gắng tập hợp các giải pháp tự động hoá IoT cho các doanh nghiệp. Điều này có thể giúp thu nhập dữ liệu năng lượng, nước thải… Ngoài ra có được dữ liệu để chia sẻ bên liên quan, nhà đầu tư, hoạch định tài chính để tính toán hiệu suất công việc" - bà Claudia Anselmi cho hay.

Thêm vào đó cũng cần sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia về tiêu chuẩn xanh hoá nền kinh tế, cần đơn giản và rõ ràng các quy định. Các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy những sáng kiến thân thiện môi trường để đẩy lùi hệ lụy, tăng cường phát triển nền kinh tế bền vững.

Lãnh đạo Chính sách Công cộng Châu Á - Thái Bình Dương, EY cho rằng việc thực hiện báo cáo bền vững giúp doanh nghiệp đánh giá toàn diện hơn những gì họ đang có. Ảnh: ACCA.

Theo bà Julia Tay, việc đưa ra báo cáo bền vững theo tiêu chuẩn của từng lĩnh vực cũng rất quan trọng. Điều này giúp doanh nghiệp đánh giá lại toàn bộ hệ thống, quản trị rủi ro cũng như thúc đẩy sự tương thích, tương tác hỗ trợ lẫn nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn