MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài sản ảo. Ảnh minh hoạ: TL

Cần đưa tiền ảo vào khuôn khổ pháp lý

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 08/10/2022 06:00

Ngày càng nhiều vụ việc tranh chấp, lừa đảo liên quan đến tài sản ảo diễn ra. Thực tế sôi động của thị trường này đòi hỏi những khuôn khổ pháp lý cần được cập nhật nhanh chóng, bắt kịp theo xu thế.

Các vụ lừa đảo tài sản ảo ngày càng tăng

Theo TS Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trên thế giới, hoạt động giao dịch tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất sôi động, có giá trị cao. 

Thực tế đã diễn ra nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Vì vậy, nhiều nước đã xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự này như Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”; luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo” của Trung Quốc.

Ngoài ra, các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản ảo; trong đó tập trung vào bốn vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu và các giao dịch bị cấm.

Theo TS Lê Hải Đường, ở Việt Nam pháp luật chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch trao đổi, mua bán, sử dụng các sản phẩm trên môi trường mạng, đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt từ khi có dịch COVID-19. Các tranh chấp liên quan đến trao đổi, mua bán sản phẩm kỹ thuật số liên tục phát sinh.

Do đó, Việt Nam cần thiết có những nghiên cứu nhằm đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp về quyền sở hữu tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.

Đồng thời, tạo cơ sở để giải quyết các tranh chấp dân sự cũng như hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng.

Trước đó, theo ông Phạm Tiên Phong - Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2019 đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 427 báo cáo giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu đánh bạc và tổ chức đánh bạc với nhiều cá nhân có liên quan. Cũng trong giai đoạn này, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận hàng trăm giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động chuyển tiền quốc tế ra/vào Việt Nam. 

Một điểm đáng chú ý theo lãnh đạo Cục Phòng, chống rửa tiền cho hay, trong nhiều vụ lừa đảo, các đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo (Huobi; Binance) rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. 

Vẫn đang là lỗ hổng pháp lý

Theo ThS Nguyễn Thị Long - Giảng viên khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội - việc không có quy định cụ thể về tài sản ảo cũng khiến nhiều giao dịch liên quan đến đối tượng này chưa được xác thực tính hợp pháp, nhiều chủ thể được xác lập lợi ích lớn từ việc trao đổi tài sản ảo nhưng nhà nước chưa có cơ sở pháp lý để tính thuế.

"Bên cạnh đó, còn rất nhiều các vấn đề pháp lý phát sinh chưa thể giải quyết do Việt Nam chưa có quy định pháp luật về nội dung này. Do đó, trong thời gian tới cần xây dựng lộ trình hoàn thiện, chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo" - ThS Nguyễn Thị Long đưa quan điểm.

Trong khi đó, TS Đỗ Giang Nam - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, ngay cả khi Việt Nam chọn lựa cách tiếp cận cẩn trọng chờ đợi và theo sau học hỏi các quốc gia khác khi xây dựng quy chế phù hợp nhất cho tiền ảo, thì trước hết vẫn phải công nhận tiền ảo là tài sản.

Theo TS Đỗ Giang Nam cần coi tiền ảo là tài sản để khai thác tối đa nhằm khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ và là căn cứ để thu thuế đối với lợi nhuận kiếm được từ hoạt động đầu tư, khai thác tiền ảo.

Đồng thời, việc công nhận này cũng mở ra khả năng áp dụng được ngay một số cơ chế pháp lý chung có sẵn của các lĩnh vực pháp luật khác vào việc quản lý tiền ảo để giải quyết các vấn đề có liên quan trong thời gian gần đây.

“Sự phức tạp của tiền ảo rõ ràng đã đặt ra thách thức nội tại không nhỏ đối với hệ thống luật tài sản của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và đòi hỏi phải cập nhật quan niệm mới về phân loại tài sản, về khái niệm quyền sở hữu” - TS Đỗ Giang Nam nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang nghiên cứu rất kỹ, toàn diện về việc đưa tiền ảo vào nội dung sửa Luật Phòng, chống rửa tiền, chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn