MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đang có sự chênh lệch giữa ước tính chi phí để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Ảnh: trang trại gió ở Thiên Tân, Trung Quốc - Xinhua)

Cần hơn 100.000 tỉ USD để đạt phát thải ròng bằng 0

Quý An (theo FT) LDO | 08/09/2023 19:12

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là điều tất yếu trong xu hướng phát triển, nhưng bài toán chi phí vẫn cần lời giải mang tính thực tiễn.

Trong viễn cảnh nhiều năm tới, sẽ không có ôtô chạy xăng trên các con đường của các nước EU từ 2035, ngành công nghiệp Mỹ sẽ chạy bằng hydro xanh, các trang trại gió quanh Biển Bắc cùng với năng lượng mặt trời sẽ mang đến châu Phi nguồn năng lượng với giá cả phải chăng.

IMF tuyên bố tất cả những điều này có thể đạt được mà không gây căng thẳng cho nguồn tài chính của các nước. Chi phí cần bỏ ra được ước tính chỉ khoảng 0,5% GDP toàn cầu trong năm 2030.

GS Luis Garicano (trường Kinh tế London, cựu thành viên Nghị viện châu Âu) đánh giá, đây có vẻ là kế hoạch “hoàn toàn khả thi và rẻ một cách đáng ngạc nhiên”.

Tuy nhiên, có một trở ngại. Các ước tính của IMF chỉ giả định về một thỏa thuận toàn cầu về giá hoặc thuế carbon, phân phối lại số tiền thu được cho các nước đang phát triển, loại bỏ các khoản trợ cấp hiện tại cho nhiên liệu hóa thạch.

Thực tế về những nỗ lực của các quốc gia nhằm khử cacbon khác xa với giả thuyết.

Lượng khí thải toàn cầu được chi trả thuế và giá carbon hiện không đến 25%.

Theo bà Helen Miller, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu tài chính của Vương quốc Anh, sẽ tiêu tốn nhiều hơn dự kiến để đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, mức đầu tư hàng năm sẽ cần tăng từ 2.000 tỉ USD đến gần 5.000 tỉ USD - tương đương 2,5% GDP toàn cầu vào năm 2030. Tổng mức đầu tư này vẫn sẽ là 4.500 tỉ USD vào năm 2050.

Lord Nicholas Stern (cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới) ước tính, cần thêm 3.000 tỉ USD mỗi năm, tổng cộng là 100.000 tỉ USD trong 30 hoặc 40 năm để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Giới chuyên gia đều nhận định, phần lớn khoản đầu tư này phải đến từ tư nhân.

Hiện tại, chính phủ các nước đã chi hàng trăm tỉ USD để khuyến khích và trợ cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cho nghiên cứu và đổi mới cũng như cho cơ sở hạ tầng công cộng, từ lưới điện, phòng chống lũ lụt cho đến làn đường dành cho xe đạp.

Trong khi đó, nguồn thu từ thuế carbon có thể không bù đắp được khoản thu nhập mà các chính phủ nhận được thông qua thuế nhiên liệu.

GS. Judith Freedman (Đại học Oxford), nói: “Ngay cả khi thành công thì cũng sẽ không huy động được nhiều tiền”.

Nghiên cứu mới của OECD đã chỉ ra chi phí tài chính cho mục tiêu năng lượng xanh cao hơn dự đoán của IMF. Ở cấp độ toàn cầu, doanh thu công ròng giảm 0,4% GDP vào năm 2030 và 1,8% vào năm 2050.

Năm 2021, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Vương quốc Anh từng ước tính, việc đạt mức phát thải 0 ròng sẽ khiến nợ công tăng thêm 21% GDP vào năm 2050, phần lớn thâm hụt do miễn thuế nhiên liệu.

Theo một báo cáo gửi Chính phủ Pháp, nợ công có thể chiếm tới 25% GDP vào năm 2040.

GS Pisani-Ferry (Trường Quản trị Hertie tại Berlin) cũng nhận định, các chính phủ đã đánh giá thấp mức độ trợ cấp cho hộ gia đình. Ví dụ như đối với những người Pháp có thu nhập trung bình, việc lắp đặt một hệ thống sưởi xanh hơn sẽ tiêu tốn một năm thu nhập.

Nếu không có nguồn doanh thu mới, các chính phủ sẽ cần xem xét liệu khoản vay công cao hơn có thể tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh hay không. Đây là một câu hỏi lớn khi chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu chi tiêu nhiều hơn vào các lĩnh vực khác, từ quốc phòng đến hưu trí và chăm sóc sức khỏe khi dân số già.

Tuy nhiên, phát thải ròng bằng 0 vẫn là điều cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và phải được giải quyết cho dù quy mô lớn đến đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn