MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ đổi lẻ, tiền mới đang hoạt động nhộn nhịp, công khai trên những trang web. Ảnh chụp màn hình

Cận kề năm mới, cẩn trọng "bẫy lừa" từ dịch vụ đổi tiền

NGUYỄN THUÝ LDO | 01/01/2022 15:00

Đến hẹn lại lên, càng  gần năm mới, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới càng trở nên nhộn nhịp trên mạng xã hội và được quảng cáo công khai trên các website.

Nhộn nhịp đổi chác

Theo khảo sát của PV, dịch vụ đổi lẻ, tiền mới đang hoạt động nhộn nhịp, công khai trên những trang web có tên gọi na ná nhau như "Đổi tiền mới"; "Đổi tiền lẻ giá rẻ", "Shop tiền lì xì tết"...

Để chiêu dụ khách, hàng loạt lời quảng cáo được tung ra như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ. Không chỉ các website, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook, Zalo… cũng xuất hiện với cả nghìn thành viên. Một quy tắc “bất di bất dịch” được đặt ra là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.

Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ, phóng viên liên lạc với H.C - một chủ shop đổi tiền online và được quảng cáo, tất cả tiền lẻ mệnh giá nhỏ đến tiền mệnh giá lớn nguyên seri đều luôn sẵn hàng.

“Nếu đổi theo một cọc gồm 10 xấp tiền (1.000 tờ) cho mệnh giá 1.000 đồng là 13%; mệnh giá 2.000 - 5.000 đồng phí 10%. Còn các tờ mệnh giá lớn như 200.000 đồng hay 500.000 đồng phí sẽ từ 2 - 3%. So với mặt bằng, mức đổi tiền bên tôi là "mềm" nhất trên thị trường hiện nay, không nơi nào có giá ưu đãi như vậy" - H.C. khẳng định. 

Tương tự, N.T.H - chủ một cửa hàng chuyên đổi tiền lẻ, tiền mới (quận Cầu Giấy, Hà Nội) còn khẳng định, khách chỉ cần báo mệnh giá, số lượng là 3 giờ sau có hàng. Tuy nhiên, năm nay nguồn tiền lẻ khá khan hiếm nên ngoài đổi tiền mới, cửa hàng của anh còn nhận đổi cả tiền “lướt”, độ mới từ 80 - 90% với chi phí mềm hơn, chỉ từ 3 - 4% cho các mệnh giá.

"Tuy là tiền “lướt” nhưng đảm bảo như mới vì đa phần tiền này từ nguồn phúng, viếng của người dân ở các đền, miếu, đình, chùa, sau đó sẽ quay lại thị trường” - H cho hay.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, dân buôn tiền trên các chợ mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm của nhiều nước. Và giá bán thường cao hơn giá trị tờ tiền, tùy thuộc vào độ độc, lạ của loại tiền.

Đáng chú ý, năm 2022 là năm Nhâm Dần nên thị trường cũng ngập tràn những tờ tiền có hình tượng con hổ. Điển hình là tờ 2 USD in hình con hổ mạ vàng có giá 200.000 đồng/tờ, tiền xu Úc mạ vàng, bạc hình con hổ có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/xu… được nhiều người săn lùng.

Hay các mẫu tiền nước ngoài cũng thu hút khách mua như tiền hình hổ được quảng cáo là của Macao với thiết kế mạ ánh kim bắt mắt có giá chỉ khoảng 79.000 đồng/set 20 chiếc. Tờ tiền 10 rupee được quảng cáo là của Ấn Độ in hình tê giác, voi và hổ có giá 35.000 đồng/tờ, tiền xu được quảng cáo là của Mông Cổ in hình hổ có giá 100.000 đồng.

Cảnh giác những rủi ro

Trao đổi với PV, chị N.L.A (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết về một lần từng phải nếm trái đắng của trò đổi tiền qua mạng. Theo đó, do tin tưởng nên chị N.L.A đã chuyển khoản trước cho bên cung cấp dịch vụ nhưng số tiền nhận lại không đúng với thoả thuận. 

“Nhu cầu của tôi là đổi tiền để lì xì ngày Tết, tôi đã chuyển khoản để chốt đơn hàng qua Facebook. Nhưng sau khi nhận thì số tiền tôi đổi bị thiếu so với cam kết trước đó. Chủ tài khoản Facebook sau giao dịch cũng đã chặn tôi nên không thể liên lạc được nữa" - chị N.L.A cho biết.

Theo luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Theo đó, Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ, hành vi đổi tiền trái phép có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng.

"Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần" - luật sư La Văn Thái cho biết.

Từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán. Dịp đầu năm 2020, theo chia sẻ của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỉ đồng. 

Cơ quan ngân hàng trung ương cũng yêu cầu kể từ năm 2021, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Từ cách đây nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn