MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cho vay tiêu dùng tài chính. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần lấp chỗ trống quy định bảo vệ người vay tiêu dùng

Văn Nguyễn LDO | 11/01/2021 09:19

Việc chưa có quy định tách riêng cho người tiêu dùng tài chính cũng như khách hàng vay tiêu dùng trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng khiến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính nói chung và các khách hàng vay tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam đang bị bỏ trống.

Thiếu quy định riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiện nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho hay đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ổn định tài chính và tài chính toàn diện.

Tuy nhiên cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán hay Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Chưa kể Việt Nam hiện cũng chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Theo nhận định của TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) - vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính nói chung và các khách hàng vay tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam hiện nay vẫn đang bị bỏ trống. Việc bảo vệ người tiêu dùng hiện nay chủ yếu dựa trên Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên theo bà Hiền, luật không có các quy định tách riêng người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính với các đối tượng người tiêu dùng khác, dẫn đến hiện nay chưa có một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Cần xem người vay là đối tượng dễ bị tổn thương

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính có liên quan đến 4 cơ quan là NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc vì vậy việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính vẫn khá lúng túng.

Chính do luật chưa có các quy định riêng cho người tiêu dùng tài chính cho thấy nhóm này chưa được xem là đối tượng dễ bị tổn thương và đòi hỏi phải có các quy định bảo vệ phù hợp. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng tài chính sẽ dễ dàng gặp phải 5 nhóm rủi ro xung đột lợi ích, gồm: Rủi ro về phát triển sản phẩm (sản phẩm, dịch vụ tài chính không tuân thủ các yêu cầu pháp lý); rủi ro về công nghệ (độ tin cậy của hệ thống bảo mật, lỗi hệ thống thông tin); rủi ro tiếp thị (quảng cáo sai sự thật, các mức thu phí dịch vụ…), rủi ro gian lận (giám sát giao dịch, giám sát nhân viên tổ chức tín dụng) và rủi ro bán hàng (giao dịch nhầm, lộ thông tin khách hàng). TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng việc đặc thù hóa đối tượng người tiêu dùng tài chính vì vậy là cần được đặt ra để có các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi phù hợp.

Bên cạnh việc cần thiết thành lập các cơ quan chuyên trách và thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội bảo vệ Người tiêu dùng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cũng như đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn