MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng lạm dụng phân bón khá phổ biến tại nhiều nơi, trên nhiều loại cây trồng. Ảnh: TTXVN

Cần ngăn chặn việc lãng phí phân bón trong nông nghiệp

Vũ Long LDO | 22/10/2021 09:31

Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 10,2-11 triệu tấn phân bón. Điều đáng nói là một số nơi đang sử dụng phân bón “quá đà”.

Vấn nạn sử dụng phân bón "quá đà" 

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam nói: “Do tập quán cũng như do điều kiện kinh tế, nông dân miền Bắc và miền Trung sử dụng ít phân bón hơn, thậm chí khi giá phân bón lên, họ chấp nhận “bón chay”, tức là không dùng phân bón, muốn thu được bao nhiêu cũng được. Còn nông dân khu vực ĐBSCL có điều kiện kinh tế tốt hơn, làm ăn lớn hơn, tính cách người Nam Bộ lại  hào sảng, phóng khoáng, nên trong sử dụng phân bón hay vật tư nông nghiệp đều nhiều hơn”.

Mới đây, tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức, Bộ NNPTNT cũng thừa nhận vấn nạn sử dụng phân bón quá đà trên nhiều địa bàn. Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ĐBSCL là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước. Đối với phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, trong khi nông dân ĐBSCL bón bình quân đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước.

Về thuốc bảo vệ thực vật, năm 2020, ĐBSCL dùng tới 28.520 tấn (chiếm 54,94% cả nước). Như vậy, bình quân 1ha gieo trồng sử dụng 6,27kg thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56%.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, mặc dù được hướng dẫn giảm lượng phân bón trong cây lúa, nhưng nông dân nhiều nơi ở vùng ĐBSCL vẫn bón theo cách cũ "cho chắc ăn". "Họ vừa dùng nhiều phân, lại bón sai thời điểm nên chi phí cao, nhưng hiệu quả sản xuất không cao" - GS Võ Tòng Xuân nói.

Cắt giảm phần bón dư thừa là cần thiết

Tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng phân đạm ở nước ta mới chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, phân kali đạt 40-50%. Hàng năm, lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng chiếm khối lượng rất lớn: 1,77 triệu tấn urê, 2,07 triệu tấn supelân, 344 nghìn tấn kali, rất lãng phí. Trong số phân bón chưa được cây trồng sử dụng, một phần tích tụ lại trong đất một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thuỷ lợi ra ao hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước. Bón quá dư thừa hoặc do bón đạm không đúng cách đã làm cho nitơ và phospho theo nước xả xuống các thủy vực là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm cho các nguồn nước. 

Theo TS Nguyễn Kim Vân - Hội Khoa học Kỹ thuật bảo vệ thực vật, do tập quán lãng phí và bừa bãi trong việc sử dụng đạm hóa chất khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, doanh nhân Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: “Ai cũng biết hiện nay phân bón bị lãng phí rất nhiều, cây trồng sử dụng chỉ 1/3. Mặc dù nông dân được hướng dẫn, khuyến khích bón đủ, bón đúng thời điểm, nhưng kinh nghiệm lâu đời cho thấy giảm lượng phân bón là giảm năng suất, do đó, tình trạng bón dư thừa vẫn phổ biến.

TS Phùng Hà cũng cho rằng, với tình trạng lạm dụng phân bón gấp 2-3 lần tại một số khu vực ĐBSCL, chỉ cần cắt bỏ bớt phần dư thừa này, thậm chí bỏ 50-70% ở phần phân bón bị "quá đà" đã giúp giảm bớt giá thành sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn