MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp cần nguồn cung nguyên liệu để duy trì sản xuất trong đại dịch. Ảnh: Vũ Long

Cần nguồn cung nguyên liệu để doanh nghiệp ổn định thực hiện "mục tiêu kép"

Vũ Long LDO | 10/09/2021 09:04

Các doanh nghiệp cần nguồn cung nguyên liệu ổn định để duy trì sản xuất, được chủ động áp dụng những cách làm hay, hiệu quả.

Thiếu nguyên liệu gây tắc nghẽn sản xuất

Theo doanh nhân Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, từ khi thực hiện giãn cách, doanh nghiệp của ông lâm vào tình trạng không đủ nguyên liệu để sản xuất.

“Doanh nghiệp có nhà máy ở Hậu Giang, cán bộ lãnh đạo, điều hành sản xuất thì nằm hết ở Cần Thơ, trong khi hiện nay không thể đi từ tỉnh này sang tỉnh kia vì đều phải cách ly hết. Do không đi được nên cán bộ điều hành của nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” (3T) nhưng công nhân không thể 3T vì hầu hết đều ở Sóc Trăng không đi được qua địa phận giáp ranh giữa 2 nơi” - ông Lê Văn Quang chia sẻ.

Hội nghề cá tỉnh Tiên Giang cũng cho biết, việc ách tắc lưu thông khiến giá hàng hóa sụt giảm ở đầu vựa nhưng đắt đỏ ở cuối vựa. Cá đến các chợ đầu mối, thị xã, giá chênh lệch ở cảng và chợ gấp 3 lần do hàng có ở cảng nhưng lưu thông về chợ rất khó.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tại Hậu Giang, đa số nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được 3T, thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hơn thế nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được tại nhà máy. Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện 3T để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký, tuy nhiên, cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh nhiều chi phí quá lớn.

Không riêng gì lĩnh vực thủy sản gặp khó khăn, hiện nay hầu hết chuỗi cung ứng nguyên liệu đều bị đứt gãy, nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất vì không thể đi từ địa phương này sang địa phương khác để chở nguyên liệu về. Điều này lý giải tại sao trên 50% nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra đang ngưng trệ và nguy cơ không hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), do đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực, nên 50% doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, số còn lại hoạt động cầm chừng vì chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu do phải cắt giảm công nhân để thực hiện giãn cách.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, các hiệp hội đã đồng loạt đề nghị Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua bờ vực phá sản, duy trì sản xuất để tăng trưởng sau đại dịch.

Khuyến khích vận dụng những cách làm hay, hiệu quả

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Nghị quyết 105/NQ-CP như "chìa khóa" mở ra những "điểm nghẽn" cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh mà các địa phương đang rất lúng túng hiện nay.

Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng, phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch đã thống nhất với doanh nghiệp, hợp tác xã; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã...

Huy động tối đa các nguồn lực hiện có để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động. Đồng thời, đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh địa phương trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “3T”, “Ba cùng”, “Ba xanh”,... và các mô hình khác để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Đặc biệt, các địa phương, các doanh nghiệp vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế địa phương; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI – ông Nguyễn Quang Vinh, cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình, thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược để đảm bảo mục tiêu kép cho doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững” - ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn