MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa

TRÍ MINH LDO | 02/05/2023 16:16

Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024 đang là vấn đề nóng đối với cả cơ quan chức năng và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Theo giới chuyên gia, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa để đảm bảo giữ quyền đánh thuế của Việt Nam. 

Cụ thể, trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) - cho rằng, trong bối cảnh áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (Thuế TTTC) ở nhiều quốc gia, nếu Việt Nam không hành động hay không tham gia vào cuộc cạnh tranh mới sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề: Thứ nhất mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh tại quốc gia của mình, sau đó sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác.

Thứ hai, đó là ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế đem lại lợi ích tài chính cho các công ty hơn.

Do đó, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, để đảm bảo đủ năng lực tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh mới, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa để đảm bảo giữ quyền đánh thuế của Việt Nam; đồng thời, cân nhắc các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với bối cảnh mới. 

Chuyên gia thuế khuyến nghị áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa để đảm bảo giữ quyền đánh thuế khi triển khai Thuế tối thiếu toàn cầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc sửa đổi nội luật để áp dụng cơ chế Thuế TTTC là tương đối phức tạp liên quan đến Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan về đầu tư, lao động… cũng như các Điều ước, cam kết quốc tế… cùng với việc cần đảm bảo mục tiêu đồng bộ nội luật và duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư. 

Trước đó, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, với khoảng 36.500 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, không phải tất cả đều chịu tác động của Thuế TTTC. Hiện chỉ có khoảng 1.017 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế quy định này. Còn hơn 30.000 doanh nghiệp FDI vẫn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) - cho hay, đối với 1.017 doanh nghiệp FDI có công ty mẹ ở nước ngoài có doanh thu hợp nhất trên 750 triệu Euro, để thuận lợi cho việc đánh giá tác động, Tổng cục Thuế đã phân chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất bao gồm tập đoàn công ty đa quốc gia có 1 công ty con tại Việt Nam. Nhóm thứ hai là các tập đoàn công ty đa quốc gia có nhiều công ty con tại Việt Nam.

Trong khi đó, phía các Cục Thuế địa phương đều cho rằng, Thuế TTTC là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì vậy, các Cục Thuế đang gấp rút tiến hành cập nhật bảng đánh giá tác động theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị các Cục Thuế rà soát lại các hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở rà soát có tham khảo danh sách do Tổng cục Thuế cung cấp để từ đó tham mưu cho Tổng cục Thuế về mô hình quản lý doanh nghiệp FDI trên từng địa bàn để Tổng cục Thuế nghiên cứu đưa ra giải pháp quản lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn