MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để đủ tiêu chí xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải đảm bảo quy định về kho chứa, nhà máy chế biến, cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Tân Long

Cần "siết" quy định để loại bỏ doanh nghiệp xuất khẩu gạo “chụp giật"

Vũ Long LDO | 13/12/2021 16:35

Nhiều doanh nghiệp đồng tình với Bộ Công Thương, cần điều chỉnh quy định về điều kiện xuất khẩu gạo để phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Chuẩn hóa quy định để loại bỏ tư duy "chụp giật"

Chia sẻ với PV Lao Động trưa 13.12.2021, doanh nhân Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15.8.2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, nêu nhiều vướng mắc, bất cập trong thực thi nghị định này.

Ông Phạm Thái Bình cho rằng, cần phải thay đổi quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo, bởi gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến khoảng 30 triệu nông dân trồng lúa. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo mà cấp phép cho khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là quá nhiều  (thực tế đến 25.11.2021 đã có tới 205 doanh nghiệp được cấp phép – PV).

Ông Bình cho rằng, chính vì điều kiện rất thông thoáng nên thậm chí có doanh nghiệp dùng giấy phép xuất khẩu gạo để phục vụ mục đích khác, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, giá trị của gạo Việt Nam.

"Doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn kiểu “chụp giật” ở đâu mà ra, và vì sao họ làm được như vậy? Tất cả là do cơ chế chính sách. Tôi lấy ví dụ: Nếu tiêu chí xét để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo mà vì ngành gạo, vì nông dân trồng lúa và vì sự phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo thì tiêu chí ấy phải là:

Có vùng nguyên liệu trồng lúa theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân (mô hình cánh đồng lớn của Bộ NNPTNT ra đời năm 2010); có kho chứa tối thiểu bao nhiêu mét vuông; Có nhà máy sấy lúa với công suất bao nhiêu tấn/ngày; có nhà máy xay xát chế biến đóng gói gạo với công suất tối thiểu bao nhiêu tấn/giờ doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chí này thì kinh doanh lương thực bình thường, nhưng xuất khẩu thì không. Thái Lan mỗi năm xuất khẩu có năm hơn 10 triệu tấn nhưng có chưa đến 50 doanh nghiệp, Việt Nam xuất khẩu chỉ 6,5 triệu tấn/năm, sao cần tới 150 doanh nghiệp?" - ông Phạm Thái Bình thẳng thắn nói.

Doanh nghiệp đầu tư cả hệ thống logistics để xuất khẩu gạo. Ảnh: Q.Hoa

Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cũng cho rằng: Nên quy định về sức chứa kho chuyên dùng để chứa lúa gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo như trước đây. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay để tránh gánh nặng cho doanh nghiệp. Nên căn cứ theo tồn kho thực tế, còn nếu doanh nghiệp có kho chứa, nhưng kho trống không thì không có tác dụng.

Với góc nhìn riêng, doanh nhân Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, cho rằng: Hơn ai hết, mỗi thương nhân trên thương trường đều rất nhạy cảm với tín hiệu thị trường. Họ chính là người phải hiểu thị trường, hiểu bạn hàng, hiểu căn cơ về sở thích lúa gạo của người tiêu dùng từng quốc gia, thậm chí hiểu cả những tâm tư, tình cảm, gia cảnh… của đối tác thương mại để từ đó điều chỉnh chiến lược thương mại phù hợp. Do đó, không cần phải có những “mệnh lệnh hành chính” can thiệp vào làm lệch bản chất quy luật thị trường.

“Có thể trong 2 năm chưa xuất khẩu được là do doanh nghiệp đang tập trung tiềm lực để đầu tư, xây dựng các quan hệ thương mại, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng năm sau có thể họ sẽ xuất khẩu được số lượng lớn. Không phải bất kỳ doanh nghiệp nào khi xin được giấy phép đều có thể xuất khẩu ngay được” - ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.

Nhiều bất cập trong quy định xuất khẩu gạo

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 205 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (tính đến ngày 25.11.2021). Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số đó, có tới 39 doanh nghiệp suốt 2 năm không hề có bất kỳ hoạt động xuất khẩu gạo nào.

Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gạo hiện nay đã khác với nhiều năm trước, nên những quy định tại Nghị định 107/2018-NĐ-CP đã không còn phù hợp. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung hai tiêu chí kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến là nhằm mục tiêu chuẩn hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào để đảm bảo đồng bộ hóa về năng lực chế biến của ngành; tạo tiền đề thực hiện và đảm bảo duy trì tốt thương hiệu gạo quốc gia một cách thực tiễn...

Đối với việc kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong quá trình thực thi Nghị định 107, việc hậu kiểm của nhiều Sở Công Thương đã bộc lộ nhiều hạn chế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn