MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu

KIM NGÂN LDO | 21/12/2022 21:38

Doanh nghiệp tiếp tục cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn trước áp lực sẽ có hơn 700.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong 3 năm tới. Trong khi đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ mới ban hành cũng được yêu cầu phải sửa đổi.

Phát hành trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Anh Huy
Cấp tập mua lại trước hạn

HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông qua việc mua lại trước hạn 1.100 trái phiếu phát hành đợt 17/2021 với mã LPBH2124017. Trái phiếu được phát hành vào ngày 27.12.2021, kỳ hạn 3 năm, lãi suất phát hành 2,9%/năm.

Được biết, tổng giá trị mua lại theo mệnh giá là 1.100 tỉ đồng. Đây là trái phiếu có quyền mua lại theo yêu cầu của tổ chức phát hành hoặc theo yêu cầu của người sở hữu trái phiếu, mua lại bắt buộc hoặc mua lại theo thỏa thuận khác.

Theo kế hoạch công bố, LienVietPostBank sẽ mua lại vào ngày 27.12 tới đây; lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 29 triệu đồng/trái phiếu; giá mua lại lô trái phiếu trên là 1.029 tỉ đồng.

Như vậy, tổng giá trị thanh toán là gần 1.132 tỉ đồng. Trước đó, LienVietPostBank cũng mua lại trước hạn 9.800 tỉ đồng chỉ trong 11 tháng qua.

Trước đó ít ngày, Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán: GEX) đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu còn lưu hành thuộc lô có mã TP.GEX.2020.01 vào ngày 14.12.

Lô 3.000 trái phiếu này được phát hành ngày 13.5.2020, đáo hạn vào ngày 13.5.2023; lãi suất 9,5%/năm. Tại thời điểm GEX quyết định mua lại trước hạn, khối lượng lô trái phiếu đang lưu hành chỉ còn 777 trái phiếu.

Không chỉ LienVietPostBank hay GEX, diễn biến gần đây trên thị trường khiến rất nhiều doanh nghiệp phải cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đến ngày 25.11, trong khi khối lượng phát hành TPDN là hơn 331.800 tỉ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 thì khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trong 11 tháng lên tới 160.653 tỉ đồng, tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải quyết bài toán rủi ro

Tại hội thảo chuyên đề tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam cuối tuần qua, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhận định với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm, sẽ có một khối lượng lớn TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 (khoảng hơn 700.000 tỉ đồng chưa tính lãi).

Trong đó, theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, riêng các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỉ đồng TPDN năm 2021 và 10 tháng đầu năm nay thêm 50.000 tỉ đồng nữa, với lãi suất bình quân 10,35%/năm.

"Lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp ngành này cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới. Năm 2023 là khoảng 120.000 tỉ đồng và năm 2024 là khoảng 110.000 tỉ đồng mà chưa tính tiền lãi", ông Lực ước tính.

Chuyên gia này cho biết, thời gian tới nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều áp lực lớn về lạm phát, tỉ giá trong khi dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa ngày càng hẹp, đặc biệt là trái phiếu đáo hạn.

Chính vì thế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế về kiểm soát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỉ giá, giữa ngân sách và hỗ trợ người dân doanh nghiệp.

Và đặc biệt, cần sớm giải quyết rủi ro TPDN, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản và đẩy nhanh quá trình sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tài chính.

Còn theo đề xuất của ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinRatings, cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao như đánh giá, phân loại cụ thể và cần đẩy nhanh tiến độ xử lý, tái cấu trúc nợ.

Đáng chú ý, ông Thuân đề xuất cho phép bán TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán; đồng thời phê duyệt nhanh trái phiếu đại chúng, nếu hồ sơ phương án đáp ứng quy định.

Cũng liên quan đến hành lang pháp lý, cuối tuần qua, để triển khai công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13.12.2022 của Thủ tướng Chính phủ về thị trường TPDN, Bộ Tài chính có văn bản giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh yêu cầu tiêu chí sửa đổi Nghị định 65 là phải phù hợp với tình hình thực tiễn, chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn