MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ bình ổn giá xăng dầu khó chi sử dụng để kiềm chế đà tăng của giá xăng. Ảnh: Nguyễn Hải

Cần sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiệu quả

Cường Ngô LDO | 02/02/2024 08:01

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua và tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh trước Tết Nguyên đán 2024, tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định, cơ quan điều hành sẽ khó chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu - dù quỹ này đang dư cả nghìn tỉ đồng.

Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tăng giá trước Tết

Trong kỳ điều chỉnh ngày 1.2, giá xăng dầu tăng mạnh, với mức tăng trên 700 đồng/lít.

Mặc dù giá xăng tăng liên tục, tuy nhiên, trong các kỳ điều chỉnh gần đây, cơ quan điều hành là Liên bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, tính đến hết quý III/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dương hơn 7.000 tỉ đồng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kết thúc tháng 1.2024, chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thiết bị và đồ dùng gia đình, văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,14%.

Ghi nhận của Lao Động, nhu cầu dịp cuối năm tăng cùng với nguồn cung một số mặt hàng giảm dẫn tới giá gạo và một số loại thực phẩm tăng giá.

Tại một số đại lý bán gạo, giá gạo tẻ thường tăng từ 2.000 đồng - 5.000 đồng so với thời điểm tháng 12.2023, giá gạo hiện tại dao động từ 14.800 - 18.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.100 - 23.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm từ 21.900 - 23.800 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.700 - 40.800 đồng/kg.

Tại các chợ dân sinh, giá thịt nạc vai, nạc mông, sườn thăn dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại.

Theo Tổng cục Thống kê, cuối tháng 1.2024, chỉ số giá đường tăng 0,85% so với tháng trước; các loại đậu và hạt tăng 0,49%; quả tươi, chế biến tăng 0,46%; chè, cà phê, cacao tăng 0,41%; bánh mứt, kẹo tăng 0,39%; đồ gia vị tăng 0,23%.

Cần duy trì giá xăng ở mức ổn định, nhưng khó trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - cho biết, qua theo dõi thấy rằng, rất nhiều kỳ trong thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được chi sử dụng hoặc trích lập (trừ dầu mazut được trích lập 300 đồng/kg ở lần điều chỉnh gần đây).

Ông Thắng cho rằng, hiện giá dầu trên thị trường quốc tế diễn biến rất mạnh, song, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu hiện chưa thể trông chờ vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thứ nhất, theo quy định của Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành, giá thế giới phải biến động trên 5% mới thực hiện việc sử dụng quỹ hoặc tăng trích quỹ. Thời gian qua, giá xăng dầu biến động tăng, nhưng chưa đến mức 5%, do đó, khả năng chi sử dụng quỹ là khó.

Thứ hai, bê bối trong việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của thương nhân đầu mối trong thời gian qua, được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá và công khai toàn diện. Do đó, nhà điều hành sẽ hạn chế tác động vào việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thứ ba, hiện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã thông báo dừng thông quan nhập khẩu xăng dầu với hai “ông lớn” doanh nghiệp đầu mối là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil. Vì vậy, rất có thể, nhà điều hành sẽ bảo hộ cho một số doanh nghiệp đầu mối khác để họ thực hiện việc nhập khẩu thêm xăng dầu, tăng nguồn cung, hạn chế sự đứt gãy cục bộ. Dù vậy, để kiềm chế đà tăng của giá xăng, ông Thắng cho rằng, cần giải pháp tổng thể.

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần dự đoán đỉnh giá thế giới cho 10 ngày tới, xác định tổng lượng nhập khẩu và tổng lượng tiêu thụ trong nước 10 ngày tới và khoảng thời gian từ sau mùng 6 âm lịch để đảm bảo chi phí nhập khẩu và luân chuyển xăng dầu trong nước, cũng như đảm bảo chi phí và lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Thứ hai, doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo đủ nguồn xăng dầu. Nghiêm cấm các hành vi tích trữ, găm hàng không phân phối ra thị trường khiến giá cả tăng cao.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, việc giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh trong các kỳ điều hành qua đã tác động tương đối lớn đến chỉ số lạm phát và tốc động tăng trưởng kinh tế. Do đó, Bộ Công Thương cần xin ý kiến Chính phủ để có biện pháp phù hợp, nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn