MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Cấn Văn Lực tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023. Ảnh: Đức Mạnh

Cần sửa đổi tiêu chí của VN30, thêm các sản phẩm chứng khoán phái sinh

Đức Mạnh LDO | 17/12/2022 18:41
Chuyên gia nhận định trong thời gian tới, khó khăn là có nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, việc phát triển các sản phẩm phái sinh sẽ đóng vai trò phòng ngừa và hạn chế rủi ro.

Uỷ ban Chứng khoán hiến kế 5 giải pháp

Trước thềm bước sang năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - bà Vũ Thị Chân Phương - đánh giá khó khăn là có nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đại diện Uỷ ban nhấn mạnh trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Thứ hai, về công tác giám sát, thanh tra trên TTCK, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Thứ ba, về hoạt động tổ chức thị trường, việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, UBCKNN đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro. Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  Các chuyên gia có mặt tại Hội thảo “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Ảnh: Đức Mạnh

Thứ tư, trong thời gian tới cần tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời đẩy mạnh sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm....

Thứ năm, UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Phát triển các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa, hạn chế rủi ro

Bổ sung thêm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - đề xuất sửa đổi Nghị định 128/2021/NĐCP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên TTCK, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật.

Đồng thời cần ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường. Nghiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường. Phát triển các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa, hạn chế rủi ro như hợp đồng tương lai chỉ số VNX50.

"Bộ Tài chính, UBCKNN nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước" - chuyên gia hiến kế.

  TS Cấn Văn Lực góp ý xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán. Ảnh: Đức Mạnh

Theo ông, cần tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền và mở rộng các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, tránh tâm lý đám đông.

Phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí...). Các tổ chức này có đủ nguồn lực cũng như kiến thức tài chính để có thể phân tích thị trường một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên những căn cứ khoa học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn