MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan chức năng đối với trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: L.D

Cần thêm nguồn lực để giám sát trái phiếu doanh nghiệp

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 12/04/2022 08:01

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Đi kèm với lợi ích của một kênh dẫn vốn cũng là hàng loạt các hệ luỵ tiêu cực, gây nhiễu loạn, rủi ro cho nhà đầu tư. Vấn đề được đặt ra đó là nâng cao vai trò của cơ quan giám sát, thực thi pháp luật trong bối cảnh hiện nay. 

Quy mô ngày càng lớn

Thời gian qua, TPDN có sự phát triển “nóng", trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Theo đánh giá của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, thị trường TPDN là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt thấp. 

Tổng khối lượng TPDN phát hành khoảng 1.224.000 tỉ đồng, bình quân gần 239.000 tỉ đồng/năm; gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 48%/năm, quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2020 đạt khoảng gần 16% GDP, gấp hơn bốn lần năm 2016.

Sự phát triển của thị trường TPDN đã giúp mọi loại hình doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh; định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn; giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu. Đặc biệt, trong các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành TPDN cũng tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước đạt trên 658.000 tỉ đồng, tăng trưởng đến 42%.

Thị trường chứng kiến 1.033 đợt chào bán, gấp 2,8 lần so với năm 2020 và tương đương quy mô trung bình 636 tỉ đồng/đợt. Ngoài ra còn có 4 đợt phát hành ra quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỉ USD.

Trong đó tỉ lệ doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm rất nhỏ chưa đến 4,6% (năm 2020 là 7,1%), phần lớn vẫn đến từ phát hành riêng lẻ.

Đáng chú ý, có đến 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành trái phiếu trong năm ngoái, chiếm 40% tổng khối lượng phát hành. Phần lớn là các cái tên mới đến từ ngành bất động sản và xây dựng.

Theo định hướng phát triển được Bộ Tài chính xây dựng, theo đó, đề xuất mục tiêu phát triển thị trường trong thời gian tới là phát triển thị trường trái phiếu cả về quy mô và độ sâu, nâng cao thanh khoản, đa dạng hoá sản phẩm; phấn đấu đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 47% GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP, đến năm 2030, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 58% GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt 25% GDP.

Nên xem xét bổ sung nguồn lực 

Đi cùng với tăng trưởng mạnh, sự phát triển của TPDN cũng có nhiều hệ luỵ, trong đó, hàng loạt sai phạm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cơ quan này phải căng mình để thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. 

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng, với quy mô tăng trưởng ngày càng lớn, lượng doanh nghiệp phát hành mới ngày càng nhiều, trong khi các thủ tục báo cáo, đăng ký phát hành đều phải thực hiện qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thể dẫn tới hiện tượng "quá tải". Có ý kiến nhà đầu tư đề xuất nên chăng có một cơ quan chuyên trách thực hiện hoạt động giám sát TPDN để nâng cao chất lượng cho thị trường này.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 11.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu - Phó Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết ý kiến về quan điểm có nên cần một tổ chức riêng để giám sát TPDN. 

“Theo thông lệ quốc tế thì không cần một cơ quan nào khác, chỉ cần một cơ quan chuyên ngành quản lý mọi hoạt động phát hành, giao dịch trên thị trường thôi. Nếu thiếu nguồn lực thì phải bổ sung. Cái chính ở đây là cần phải cho thị trường tự kiểm soát lẫn nhau. Ví dụ như những tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nếu như trong nước không làm được thì phải mời các công ty nước ngoài vào để chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải công bố thông tin, các tổ chức xếp hạng này sẽ đánh giá độc lập về chất lượng trái phiếu" - PGS-TS  Nguyễn Văn Hiệu nói. 

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến TPDN, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải minh bạch các thông tin với sự giám sát của Ủy ban chứng khoán, quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán độc lập trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn