MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa) khi tàu đánh bắt về đông nhân lực tại các văn phòng kiểm soát kiêm nhiệm phải tăng cường không thể đáp ứng đúng toàn bộ quy trình mà EC yêu cầu. Ảnh: Phương Linh

Cần thêm nhân lực thực thi, giám sát chế tài

Thanh Thúy LDO | 08/12/2020 08:18

Thiếu nhân lực thực hiện, giám sát, quản lý đội tàu, đang khiến cho nhiều địa phương trong cả nước gặp khó khăn khi thực thi các điều kiện để tháo cảnh báo “thẻ vàng”; hạn chế hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU).

Gần 83% tàu cá đã cài giám sát hành trình

Đây là con số Tổng cục Thủy Sản (Bộ NNPTNT) đưa ra tại hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU vừa được tổ chức tại Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, hơn 3 năm thực hiện dỡ thẻ vàng thủy sản của Châu Âu, về cơ bản các địa phương đã có chuyển biến rất rõ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lập 2 quy hoạch quan trọng là quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, Bộ NNPTNT cũng đã ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT đối với các nội dung khuyến nghị của EC… Đến tháng 11.2020, cả nước có gần 83% trong số gần 40.000 tàu cá dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo đó, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát hàng hoá qua cảng đến nay chỉ còn 1 địa phương trong số 28 tỉnh ven biển chưa thành lập văn phòng/Tổ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng chỉ định; số tàu cá từ 24m vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển 275 lượt tàu, 1.348 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày, giảm hơn so với các năm. Việt Nam cũng đã duy trì việc cấm đăng ký mới tàu cá, thu hồi văn bản chấp thuận đóng mới đối với những tàu vẫn chưa đóng.

Năm 2020, các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu đã thực hiện kiểm dịch nhập khẩu hơn 6.500 tấn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu trung chuyển cập các cảng Việt Nam. Cấp được 3.073 giấy chứng nhận thủy sản khai tác với khối lượng là 38.548 tấn thủy sản. Từ năm 2019 đến nay, đã rà soát, công bố 177 tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ trong lĩnh vực khai thác thủy sản với tổng số tiền xử phạt hơn 61 tỉ đồng giảm so với các năm.

Tuy nhiên, vướng mắc trong quy trình xử phạt tàu cá vi phạm, sự thiếu đồng bộ trong xử lý của các địa phương, tình trạng 30% thiết bị giám sát hành trình bị ngắt... là những điểm khiến cho nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng vẫn phải tiếp tục theo 4 nhóm vấn đề khuyến nghị Đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu đưa ra mới đây.

Cần thêm nhân lực

Tại hội nghị các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Trong đó, thiếu nguồn nhân lực đang khó khăn chung của các địa phương trong thực thi.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận - cho biết, “để thực hiện tháo gỡ thẻ vàng chúng tôi đã thành lập 3 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá với 47 người để triển khai quy trình. Tuy nhiên với lượng tàu cá thì chỉ văn phòng tại TP.Phan Thiết với 27 nhân lực mới đáp ứng đủ. Sở cũng đã kiến nghị thêm biên chế, định biên nhưng nguồn lực thì Sở Nội vụ xem xét nên không được. Giải pháp là chúng tôi phải tập trung ở Phan Thiết. Kiến nghị Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ phủ tăng thêm nhân lực”.

Tại Khánh Hòa có hơn 7.500 tàu cá, trong đó có gần 1.400 tàu cá xa bờ nhưng nhân lực 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh đều kiêm nhiệm.

Ông Trần Như Đào - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa - nói: “Nhân lực không được bổ sung mới nên mỗi ca 3-4 nhân lực chuyên môn của Chi cục điều xuống kiêm nhiệm, đảm bảo có người thực hiện các quy trình 24/24. Có lúc cao điểm chúng tôi phải tăng cường thêm. Vừa làm chuyên môn vừa làm kiêm nhiệm nên khó đảm bảo chất lượng. Sở cũng đã có kiến nghị xin thêm người nhưng không được”.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT thừa nhận thiếu nhân lực chuyên sâu thực hiện các quy trình thủ tục khiến việc đảm bảo tuân thủ các khuyến nghị của EC chưa hiệu quả cao. “Qua kiểm tra các địa phương việc giám sát vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn lực cảng cá có thực hiện được hay không yêu cầu đặt ra hiện nay khi không có người làm. Như tỉnh Phú Yên chỉ có 4 người thì việc kiểm soát sẽ không thể chặt chẽ được” - Bà Nhung nói.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng: “vướng nhất là Việt Nam nghề cá quy mô nhỏ, với số lượng tàu thuyền rất lớn nhưng nguồn lực nhân lực các địa phương rất mỏng. Thái Lan có 6.000 tàu cá họ thành lập 30 trạm kiểm soát với 2.000 nhân lực để tìm cách gỡ thẻ vàng. Trong khi chúng ta có số tàu gấp 5 lần nhưng qua kiểm tra 28 tỉnh thành nguồn lực kiểm soát nghề cá tại các chi cục đặc biệt tại các cảng cá rất là thiếu”.

Để tháo gỡ “thẻ vàng” trong thời gian tới cần đầu tư hơn nguồn lực con người cũng như nâng cấp hạ tầng; hoàn thiện chính sách một cách đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương tránh tình trạng nơi siết nơi buông. Về phía địa phương phải hoàn thành lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình; tuân thủ các quy định quản lý giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con. Đặc biệt ngăn chặn tiến tới không vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài - đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “Thẻ đỏ trong đợt thanh tra lần tiếp theo chưa có sự cải thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn