MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TP Cần Thơ có 105 chợ truyền thống, hiện chưa có chợ nào hoạt động trở lại. Ảnh: Minh Ánh

Cần Thơ cho phép mở lại chợ, tiểu thương cần điều kiện gì?

Minh Ánh LDO | 22/10/2021 17:59
Cần Thơ - Theo công văn mới của Sở Công Thương TP Cần Thơ, các tiểu thương buôn bán tại chợ cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, riêng địa bàn có dịch cấp độ 4, tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi và chỉ được bán hàng thiết yếu.

Ngày 22.10, Sở Công Thương TP Cần Thơ ra văn bản hướng dẫn tạm thời về việc cho phép chợ hoạt động trở lại trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, các chợ truyền thống sẽ được phép mở cửa trở lại, với các điều kiện như khách hàng phải thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế, khi có các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mất vị giác,...thì không đuợc vào chợ.

Đối với các cơ sở kinh doanh, Sở đưa ra quy định người lao động chỉ được làm việc nếu không thuộc diện cách ly y tế, ở trong khu vực phong tỏa và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi làm việc. 

Ngoài ra, người lao động cần được tiêm ít nhất một mũi vaccine 14 ngày trước khi hoạt động hơạc đã mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh trong 6 tháng.

Khi đến làm việc, người lao động luôn phải thực hiện nghiêm quy định 5K, khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường cần chủ động ở nhà và báo cho cơ quan chức năng hoặc người quản lý.

Quy định này cũng được áp dụng đối với đơn vị quản lý chợ. Thêm vào đó, đơn vị quản lý chợ phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế; kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị. 

Ngoài các quy định bên trên, Sở Công thương Cần Thơ cũng có những quy định khác, tương ứng với từng khu vực có cấp độ dịch từ 1-4.

Cụ thể, các cơ sở hoạt động, sản xuất tại tất cả các khu vực để được phép hoạt động ở tất cả các lĩnh vực nhưng khác nhau ở hình thức hoạt động; điều kiện người lao động; số lượng lao động... Đối với những địa bàn được đánh giá cấp độ 4 về dịch, các cơ sở kinh doanh phải áp dụng "3  tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến"; Ưu tiên chọn người lao động đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong ít nhất 6 tháng.

Ngoài ra, ở nơi có nguy cơ rất cao về dịch, số lượng người lao động được hoạt động phụ thuộc vào khả năng đáp ứng mô hình "3 tại chỗ" của cơ sở. Cụ thể, cơ sở kinh doanh sẽ phải đảm bảo có nơi lưu trú tập trung, nhà ăn đảm bảo quy định; có phòng cách ly y tế tạm thời cho F0; có phân luồng lối đi riêng.

Những người làm việc, sản xuất, kinh doanh trong  khu vực cấp độ 4 sẽ phải xét nghiệm 3-5 ngày/lần, đồng thời khai báo y tế hàng  ngày.

Đối với những chợ ở tại địa bàn đang được cơ quan có thẩm quyền đánh giá cấp độ 4, ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, còn phải bổ sung các quy định như khách hàng phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m đối với người kế cận; 100% tiểu thương phải được tiêm đủ liều vaccine sau 14 ngày hoặc người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh trong thời gian 6 tháng; Kẻ vạch giãn cách giữa tiểu thương với khách hàng, giữa tiểu thương với tiểu thương tối thiểu 2m.

Đối với đơn vị quản lý chợ, 100% người làm việc tại chợ phải được tiêm đủ liều vaccine sau 14 ngày hoặc người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh trong thời gian 06 tháng; Chỉ bán những mặt hàng thiết yếu như lượng thực, thực phẩm, rau, củ quả,... Đồng thời, sắp xếp tổng số lô sạp tại chợ tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhưng tối đa không quá 50% để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; Hạn chế khách hàng ra vào chợ cùng một thời điểm không quá 50 người đối với chợ hạng I và không quá 30 người đối với chợ hạng II, hạng III.

Trao đổi với Lao Động, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, những quy định trên được xây dựng dựa theo các tiêu chí của Bộ Y tế.

"Những quy định trên vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh trở lại hoạt động. TP Cần Thơ đang được đánh giá ở mức độ 2 về dịch, nếu như xuất hiện thêm bất kỳ đợt bùng dịch hay ổ dịch cộng đồng nào mới, như ổ dịch chợ Tân An, TP sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Sơn nói.

Người dân bày bán thực phẩm ngoài lộ, phía trước chợ. Ảnh: Minh Ánh 

Trong khi đó, một quản lý tại một chợ trên địa bàn quận Ninh Kiều cho biết việc các chợ truyền thống được mở lại càng sớm, thì hoạt động kiểm soát người bán - mua sẽ càng dễ thực hiện. "Hiện nay, do chợ đóng cửa, nhiều tiểu thương phải buôn bán tự phát ở cổng chợ và nhiều nơi khác, điều  này khiến việc quản  lý người rất khó khăn", vị  quản lý chợ  cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn