Có thể 3-4 ngày điều chỉnh một lần
Bộ Công Thương mới đây trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về thời gian điều chỉnh giá.
Phương án 1: Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 10 ngày. Trường hợp ngày điều chỉnh rơi vào ngày nghỉ hoặc nghỉ lễ thì sẽ điều hành vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ của chu kỳ tính giá.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Phương án 2: Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 15 ngày như hiện nay. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng đột biến, dự thảo Nghị định cũng đưa ra 2 phương án, yếu tố cấu thành tăng trên 7% hoặc trên trên 10% so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho Lao Động biết, đề xuất điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới. Nếu trong 15 ngày, giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát với tình hình thế giới. Đồng thời, xét trong một số hiện tượng, nếu doanh nghiệp (DN) kỳ vọng giá tăng sẽ có thể xảy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp. Lần này, Bộ Công Thương đề xuất sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần và có thêm biện pháp để trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường quá lớn. Chẳng hạn, 3-4 ngày mà ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và nguồn cung thì liên Bộ Công Thương và Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh hợp lý, không nhất thiết khiên cưỡng tối thiểu 15 ngày trong trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày trong trường hợp giảm giá” - ông Đông cho hay.
Nên để thị trường tự điều tiết
Trao đổi với Lao Động về phương án sửa đổi nêu trên, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, nhiều DN xăng dầu nhập nguyên liệu với giá thành cao, nhưng giá bán trong nước lại thấp. Do đó, họ đều muốn chờ xăng tăng giá mới bung hàng. Thực tế này cho thấy bất cập về việc điều chỉnh xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày.
Theo thương nhân này, giá xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp thời điều chỉnh thì làm khó cho DN.
Thực tế nêu trên đã được phản ánh trong báo cáo tổng hợp tình hình 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương. Cụ thể, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ tại những địa bàn thuộc các tỉnh, thành phố như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội.
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều hành theo diễn biến giá thế giới và được đưa về mức khá thấp trong giai đoạn từ tháng 3-5.2020 vừa qua. Từ giữa tháng 5.2020, mức điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn mức biến động tăng của giá thế giới.
“Trong khi đó, các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao (từ trước thời gian có dịch bệnh COVID-19) sau đó tồn kho và phải bán với mức giá thấp trong thời gian vừa qua dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra” - Bộ Công Thương cho biết.
Nêu quan điểm về tần suất điều chỉnh giá xăng dầu, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam - nói rằng, trước đây, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là 30 ngày/lần điều chỉnh, sau đó giảm xuống còn 15 ngày, bây giờ đề xuất còn 10 ngày. Để minh bạch giá xăng dầu, tốt nhất là để thị trường tự điều tiết, giá xăng điều chỉnh hằng ngày.
“Trong bối cảnh nhà nước vẫn còn định giá xăng dầu (do có những DN thống lĩnh), việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, phải trong điều kiện có khả năng thực thi được. Phương án điều chỉnh 10 ngày/lần là khả thi, thậm chí là điều chỉnh 1 tuần/lần. Việc điều chỉnh như vậy sẽ tránh được hiện tượng điều hành ngược chiều với giá thế giới. Ví dụ, nếu đến thời điểm tính bình quân 15 ngày (ngày đó giá xăng dầu thế giới giảm) nhưng bình quân 15 ngày tăng thì vẫn phải điều chỉnh tăng. Như vậy là trái với quy luật thị trường.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phù hợp nhất là điều chỉnh hằng ngày khi có biến động giá vì xăng dầu thế giới biến động hằng ngày, thậm chí hằng giờ.