MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các Đại biểu Quốc hội, cần "uốn" dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời "nắm" thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, khách quan.

Cần "uốn" vốn tín dụng vào sản xuất, "nắn" để chứng khoán minh bạch

Nhóm PV LDO | 25/05/2022 12:50

Tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp đồng bộ. Trong đó có việc giảm thuế, kiểm soát giá; đặc biệt, cần "uốn" dòng vốn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh; "nắn" thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, rõ ràng, đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư. 

TPHCM đang phục hồi rất tốt

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 25.5, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nền kinh tế thành phố đang dần phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 2.6%, đã có 4 tháng tăng trưởng dương liên tục sau khoảng thời gian dài âm.

Thương mại dịch vụ của TPHCM đến tháng 5.2022 đã dương được 0,6% trong khi quý I.2022 âm 1,7% và trước đó âm tới 4,8%. Du lịch của TPHCM cũng phục hồi sau ngày 15.3, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hàng không. Ngành lưu trú tăng hơn 2%, lữ hành tăng trên 8%....

Chỉ ra những con số này ông Phan Văn Mãi cho rằng "TPHCM đang phục hồi rất tốt. Có được điều này nhờ vào các chính sách, giải pháp đồng bộ. Bởi, nếu mở cửa chậm hơn 1 tháng, không điều chỉnh chính sách phòng chống dịch thì không biết điều gì sẽ xảy ra?", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ ra một số tồn tại. Điển hình là khu vực bất động sản còn âm 12,6%. Ông lưu ý, có chuyện đà phục hồi chậm sau dịch do có tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản. 

Theo đại diện UBND TPHCM cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản phải hết sức căn cơ, bài bản, nếu không sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Mãi (đoàn TPHCM). Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang có phục hồi nhưng chịu tác động lớn về thủ tục hành chính, giá cả đầu vào gia tăng. Do đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ, hỗ trợ, triển khai chương trình phục hồi kinh tế, phải nhanh hơn để hỗ trợ này đến được với doanh nghiệp, đi vào cuộc sống. 

Chủ tịch TPHCM cũng đề nghị quan tâm tới đảm bảo an sinh xã hội. Từ quý II.2022, TPHCM đã nhận diện ra vấn đề, khi tăng giá ảnh hưởng đến người dân, nhưng lần này, giá cả tăng sẽ tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, từng gia đình nên cần phải hết sức quan tâm. 

Cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương

Phát biểu tại thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo có nhiều thách thức, nhất là những nền kinh tế có độ mở lớn. Những quốc gia này thực hiện chính sách để kích thích kinh tế, điều này đồng nghĩa việc lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là vấn đề đáng lưu ý cho Việt Nam.

Nhất là với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ và Quốc hội cần có tiếng nói nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên quá cao. 

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường, nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát khi nguồn cung đang bị đứt gãy”, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp đồng bộ. Trong đó, có việc giảm thuế, kiểm soát giá, thực hiện các quỹ bình ổn và kiểm soát đầu cơ.

Đặc biệt, cần "uốn" dòng vốn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh và "nắn" thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, công khai, rõ ràng, đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư. 

Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, để phục hồi bền vững trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu, để chủ động về nguyên liệu, xem đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng.

Đồng thời phải hạn chế những tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi, hình thành cụm liên kết ngành, hệ sinh thái của doanh nghiệp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn