MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ảnh: Vũ Long

Cảnh báo xuất khẩu thanh long khó khăn, không mở rộng diện tích trồng

Vũ Long LDO | 04/07/2021 19:27

Dự báo xuất khẩu thanh long gặp một số khó khăn do Việt Nam và Trung Quốc trùng vụ thu hoạch; sản lượng thanh long của Trung Quốc cũng tăng cao.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thanh long Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ thanh long ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn.

Theo Bộ Công Thương và các thương nhân xuất khẩu hoa quả, đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu thanh long sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU) được mở rộng, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực. Trong khi đó, do tái cơ cấu trồng trọt, ứng dụng khoa học công nghệ nên ngoài việc tăng năng suất, thời gian thu hoạch thanh long tại Trung Quốc cũng đang dần trùng với vụ thanh long của Việt Nam.

“Dự báo xuất khẩu thanh long sẽ gặp khó khăn do phía Trung Quốc bước vào vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Do đó, thời vụ thu hoạch thanh long giữa Trung Quốc và Việt Nam chênh lệch không nhiều. Do nguồn cung tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng lên, nhu cầu nhập khẩu thanh long từ Việt Nam của các thương nhân Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm” – ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân trồng thanh long tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam – Bình Thuận), cho biết.

Bình Thuận đang là địa phương trồng nhiều thanh long nhất của nước ta. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 33.750ha canh tác cây thanh long. So sánh với quy hoạch đến năm 2025, thì diện tích trồng thanh long của tỉnh này đã vượt. Với diện tích này, mỗi năm Bình Thuận cho ra thị trường khoảng gần 700.000 tấn thanh long các loại. Những địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất Bình Thuận là huyện Hàm Thuận Nam (gần 15.000ha), Hàm Thuận Bắc (trên 9.00ha), Bắc Bình (tên 4.700ha).

Trong năm 2020, sản lượng thanh long của tỉnh gần 700.000 tấn, nhưng số lượng thanh long xuất khẩu qua đường chính ngạch chỉ hơn 6.800 tấn đạt 8,1 triệu USD; còn lại chủ yếu tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu qua các cặp cửa khẩu giữa 2 nước.

Thế nhưng, dự báo xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi Trung Quốc cũng đẩy mạnh diện tích trồng thanh long. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đạt khoảng 35.555ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Các tỉnh trồng thanh long của Trung Quốc gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến.

Không mở rộng diện tích

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thanh long của Trung Quốc giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu thanh long từ Việt Nam đạt 280,16 nghìn tấn, trị giá 255,87 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,1% về trị giá.

Do đó, để tránh tình trạng "cung vượt cầu" do thị trường Trung Quốc gần bão hòa, chính quyền địa phương và ngành chức năng khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng loại cây này. Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất thanh long an toàn theo chuỗi giá trị, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, mở rộng thêm thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, Nhật Bản vừa công bố kết quả thẩm định lần 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” thuộc dự án “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản”. Trong 3 tháng tới, nếu không có ý kiến của bên thứ ba, Thanh long Bình Thuận sẽ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Như vậy, sau khi Quyết định 76/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long, ngoài 27 nước thuộc EU đã đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, sắp tới sẽ có thêm Nhật Bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn