MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh ảm đạm, vắng khách tại khu chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh

Cảnh đìu hiu, vắng vẻ tại khu chợ thời trang lớn nhất Hà Nội dịp cận Tết

Nhật Minh LDO | 17/12/2023 10:17

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, song Chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) - khu chợ thời trang lớn nhất Hà Nội - vẫn trong cảnh đìu hiu, ế ẩm, nhiều tiểu thương gặp khó.

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, thế nhưng khu chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) lại rơi vào tình trạng vắng vẻ, tiểu thương ngồi bấm điện thoại, nằm dài chờ khách.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, dù vào cuối tuần nhưng nhiều ki ốt tại đây rơi vào tình trạng ảm đạm, chủ cửa hàng ngồi bấm điện thoại, nằm dài chờ khách. Thậm chí, có ki ốt không có người bán vì vắng khách. Nhiều cửa hàng quần áo đã “cửa đóng then cài”.

Vắng bóng khách hỏi mua, các cửa hàng tại đây rơi vào tình trạng ảm đạm, đìu hiu. Ảnh. Nhật Minh
Nhiều tiểu thương ngồi bấm điện thoại chờ khách mua hàng tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh

Chị Nguyễn Thuỳ Linh - một tiểu thương tại đây cho biết, cửa hàng kinh doanh quần áo của chị dựa vào những mối buôn quen để duy trì, khách mua lẻ gần như không có.

“Từ đầu tháng, số lượng quần áo bán lẻ của tôi chỉ vỏn vẹn khoảng 10 chiếc” - chị Linh than thở.

Chị Linh cho biết, khách vãng lai đến khu chợ này mua đồ rất ít, chủ yếu là người mua buôn hoặc người kinh doanh online đi nhập đồ về bán.

Tiểu thương nằm dài vì vắng khách hỏi mua. Ảnh: Nhật Minh
Nhiều cửa hàng gần khu vực chợ Ninh Hiệp “cửa đóng then cài". Ảnh: Nhật Minh

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự nên anh Nguyễn Thái Hoàng đã phải mở thêm hình thức kinh doanh trực tuyến trên Zalo, Facebook, Shopee, TikTok để cầm cự.

“Từ sau đại dịch, chúng tôi buôn bán khó khăn nên phải tìm đủ mọi cách để tránh lỗ tiền hàng, tiền thuê mặt bằng và thuê nhân viên” - anh Hoàng tâm sự.

Anh Hoàng cho biết, doanh thu của cửa hàng hiện nay chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước. Dù anh có nhập thêm một vài mẫu quần áo mới để tiếp cận khách hàng dịp cận Tết, nhưng tình hình buôn bán vẫn không khả quan.

“Nếu cộng cả doanh thu bán hàng trực tuyến thì tổng doanh thu của tôi năm nay vẫn ít hơn nhiều so với những năm trước” - anh Hoàng chia sẻ.

Cửa hàng không có người bán vì vắng khách. Ảnh: Nhật Minh

Có nhiều cửa hàng đã treo biển giảm giá, xả toàn bộ cửa hàng để nhanh chóng thanh lý được mặt hàng vì ế ẩm.

Nhiều cửa hàng phải hạ giá, sản phẩm dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng nhưng tình hình buôn bán vẫn không khả quan. Ảnh: Nhật Minh

Chợ vải Ninh Hiệp được biết đến là một trong những đầu mối trung chuyển vải lớn nhất miền Bắc, cách trung tâm Hà Nội 15km.

Nơi đây có khoảng 4.000 hộ kinh doanh, là nơi buôn bán, giao thương nhộn nhịp. Nhưng sau đại dịch COVID-19, tình hình buôn bán tại khu chợ này ngày một khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn