MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức tiêu thụ của các mặt hàng không thuộc nhóm thiết yếu dự báo có nguy cơ thu hẹp hơn vào các tháng cuối năm 2020. Ảnh: Khánh Vũ

Cảnh giác với các nguy cơ đẩy lạm phát bật tăng trong 6 tháng cuối năm

Vũ Long LDO | 02/07/2020 15:23

Thị trường hàng hóa, tài chính 6 tháng cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19, những bất ổn về chính trị trên thế giới.

 Vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn

Theo Ban Phát triển thị trường tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính), khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được khống chế, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng dự báo sẽ phục hồi và tăng mạnh từ quý III/2020. Do đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%.

Tuy nhiên, giá vàng hiện nay đang là biến số khó dự đoán, bởi đây không phải là hàng hóa thông thường mà chịu sự phụ thuộc vào tình hình kinh tế - chính trị thế giới như giá dầu, tỉ giá USD, chiến tranh thương mại, tình hình đầu tư…

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, với những bất ổn về chính trị ngày càng gia tăng; đại dịch COVID-19 có nguy cơ tái phát đẩy kinh tế thế giới vào đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán và một số kênh đầu tư khác và vàng được hưởng lợi.

“Trong trung và dài hạn, vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn và có cơ hội tăng giá lớn” – TS Nguyễn Đức Độ nói.

Cảnh giác với các nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao

TS Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định: Trong 6 tháng cuối năm 2020, nhiều nguyên nhân tiềm ẩn đang dần trở thành hiện thực có thể đẩy lạm phát lên cao, có khả năng vượt quá mục tiêu đề ra. Trong đó, TS Phạm Sỹ An đặc biệt lưu ý về giá dầu thế giới.

“Trong các tháng cuối năm 2020, giá dầu thế giới có khả năng tăng cao do nền kinh tế thế giới phục hồi sau dịch COVID-19 và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong khối OPEC có hiệu lực. Điều này sẽ làm cho đường tổng cung dịch chuyển lên trên, đẩy lạm phát ở mức cao hơn và tăng trưởng suy giảm” – TS Phạm Sỹ An nói.

Thực tế hiện nay, giá lương thực, thực phẩm trong nước đang ở mức cao, trong khi nhóm lương thực, thực phẩm trong giỏ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chiếm tỉ trọng lớn. Do đó, giá lương thực, thực phẩm tăng cao sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng.

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) trong các tháng cuối năm, giá lương thực, thực phẩm chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng mạnh và giá xăng trong nước cũng đang được điều chỉnh tăng. Mặt khác, việc khống chế được dịch COVID-19 cũng làm cho tổng cầu của nền kinh tế gia tăng. Do sự dịch chuyển của tổng cung và tổng cầu, giá cả sẽ tăng, đặt nền kinh tế vào những tháng cuối năm có thể phải đương dầu với những rủi ro bất ổn.

Hàng hóa, sản phẩm phải "lách khe cửa hẹp"

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất đi một lượng lớn đơn hàng và khách quốc tế. Các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp chủ yếu sẽ phụ thuộc vào tiêu dùng và nguồn khách nội địa. Tuy nhiên, với tâm lý dè dặt, thắt chặt chi tiêu sau đại dịch thì việc tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng là một bài toán khó, nhất là với các nhóm sản phẩm không phải là nhu yếu phẩm.

Giá thịt lợn cao cũng là nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao. Ảnh: Khánnh Vũ

“Các doanh nghiệp không chỉ “tắc” ở đầu quốc tế, mà còn gặp khó do sự giảm nhu cầu tiêu dùng của chính khách hàng nội địa” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, để ổn định các mặt hàng thiết yếu, quản lý cạnh tranh lành mạnh, chống gian lận thương mại và ổn định nền kinh tế vĩ mô nói chung, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp trong cuối năm. Trong đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực tự chủ, khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường; khả năng tự cung cấp và tiêu thụ của thị trường nội địa; phát triển thương hiệu Việt và thị trường nội địa gắn với các giải pháp để nâng sức tiêu dùng trong nước…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn