MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị lên án vì "bôi xấu" đối thủ, taxi truyền thống chuyển sang "yêu cầu" hạn chế đối thủ. Ảnh: Đ.T

Cạnh tranh công nghệ - áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt

PV LDO | 19/10/2017 16:38

Chưa khi nào các doanh nghiệp Việt đối mặt với sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại bởi yếu tố công nghệ lớn như hiện nay. 

Câu chuyện gần đây nhất là cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Khi taxi truyền thống phải chia sẻ "miếng bánh" và nguy cơ ngày càng phải chia nhiều thì phản ứng bằng hình thức phản đối, "chơi xấu" bằng cách tố cáo, bôi nhọ đối thủ trong khi bằng chứng chưa rõ ràng. Sự việc lập tức khiến dư luận dậy sóng là phê phán hình thức cạnh tranh theo lối "Chí Phèo".

Cạnh tranh gay gắt không kém song ít được chú ý hơn là việc xe ôm truyền thống với xe ôm công nghệ. Đối thủ xe ôm truyền thống "giữ địa bàn" bằng cách chặn đánh gây gổ với giới xe ôm công nghệ khi thấy sự xuất hiện trên "lãnh thổ" bắt khách của mình. Đấu lại, xe ôm công nghệ cũng dễ dàng kêu gọi "đồng nghiệp" chỉ thông qua một status trên mạng cùng nhau tập hợp tấn công các tài xế xe ôm truyền thống. 

Đó chỉ là những minh chứng rõ nhất cho sự cạnh tranh khốc liệt  trong bối cảnh nếu không áp dụng công nghệ, doanh nghiệp sẽ bị tăng chi phí và nhiều khả năng thua trắng trước các đối thủ. 

Ngay trong lĩnh vực dịch vụ, ăn uống, một nhà hàng sẵn sàng đầu tư thiết bị công nghệ để cập nhật thực đơn khi khách gọi món sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Trước hết tiết giảm được nhân viên phục vụ, báo giá ngay khi khách gọi món, nhà bếp nắm thông tin ngay khi nhân viên cập nhật món, quản lý nắm được cụ thể doanh thu theo từng phút... Nhưng quan trọng hơn cả là giành được sự ủng hộ từ phía khách hàng. 

Trong tất cả mọi lĩnh vực khác, từ xăng dầu, giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch... nếu không áp dụng công nghệ mới, rất khó để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và thu hút khách hàng. Đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp ngoại đang tham gia ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam. 

Với những ngành công nghiệp như lắp ráp, dệt may, nguy cơ càng lớn hơn đối với các doanh nghiệp Việt khi doanh nghiệp ngoại thay vì sử dụng  nhiều lao động Việt Nam, nay mang công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Họ sử dụng robot trên những dây chuyền hiện đại, tiết kiệm nhân công và năng suất cao hơn gấp nhiều lần.  

Ngoài rô bốt, công nghệ in 3D cũng góp phần đẩy doanh nghiệp sản xuất theo lối truyền thống đi vào ngõ cụt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất rất nhiều nhân công bị mất việc.

 Chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến từng nhận định: "Nó (áp dụng công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực sản xuất - PV) đã là xu hướng rồi, không có cách nào cả. Còn mình cố nghĩ ra giải pháp kiểu “bế quan tỏa cảng” thì họ (nhà đầu tư) sẽ chuyển sang nước khác thôi".

Rõ ràng, để cạnh tranh trong môi trường ấy, không chỉ doanh nghiệp Việt cập nhật và áp dụng công nghệ mới. Mà cao hơn, ở cấp độ quốc gia, cần có chiến lược đào tạo nhân lực phù hợp nếu không muốn tiếp tục đi sau thế giới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn