MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cạnh tranh thị phần làm sôi động mặt bằng bán lẻ

Thu Giang LDO | 20/04/2023 21:30
Trong khi nhiều phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự trầm lắng, phân khúc bất động sản bán lẻ vẫn ghi nhận tỉ lệ lấp đầy hơn 90% nhờ sự cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.  

Theo Báo cáo của Savills Việt Nam mới đây, tỉ lệ lấp đầy tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 vẫn ở mức 95%.

Trong năm nay, Savills dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh có thể rơi vào khoảng 188.800m2. Trong đó, 46% nguồn cung đến từ TP Thủ Đức, xếp sau là quận 8 (37%) và quận 1 (17%).

Còn tại thị trường Hà Nội, báo cáo của Colliers Việt Nam cũng nhận định nguồn cung mới của trung tâm thương mại sẽ đến từ các doanh nghiệp ngoại lớn.

Bán lẻ nội địa và quốc tế tranh giành thị phần. Ảnh: Thu Giang  

Trong năm 2023, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ dao động khoảng 341.509 m2. Trong đó, 59% nguồn cung đến từ quận Tây Hồ, xếp sau là quận Hoàng Mai (25%), Hà Đông (5%), Bắc Từ Liêm (5%), Cầu Giấy (3%), Nam Từ Liêm (3%).

Biến động về mặt bằng bán lẻ sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Trong quý l/2023, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua mở rộng thị phần giữa các doanh nghiệp nội địa và quốc tế.

Trước đó Tập đoàn Central Retail đã công bố đầu tư 1,45 tỉ USD để mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.

 Thương hiệu bán lẻ của Nhật Bản là Aeon Mall có kế hoạch mở rộng 100 Aeon MaxValu Supermarket tại Hà Nội. Trong khi đó, thương hiệu WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng, còn Saigon Coop đặt mục tiêu về mảng bán lẻ siêu thị.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỉ USD và dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỉ USD và dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025. Ảnh: Thu Giang 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn chiếm ưu thế trên "sân nhà", với khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.

Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hoá Xanh…

Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài gần đây đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng đã gây sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhanh chóng tìm hướng đi để cạnh tranh.

Bà Hoàng Diệu Trang - Quản lý cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội - cho biết, trong thời gian tới, các thương hiệu cao cấp dự kiến sẽ gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, trong đo có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn