MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cao tốc Bắc - Nam: Tiền đâu để làm?

KHÁNH HOÀ LDO | 03/11/2017 08:30
Hôm nay (3.11), chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận, trong đó câu hỏi lớn nhất xoay quanh vấn đề huy động tiền triển khai cũng như khả năng hoàn vốn. 

55.000 tỉ từ ngân sách, nhà nước sẽ gánh phần khó nhất?

Trả lời thẳng câu hỏi tiền đâu trong tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” ngày 1.11, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT - cho rằng, sau khi phân ra đoạn ưu tiên dựa trên lưu lượng xe, tổng lượng tiền cần là 118.000 tỉ trong đó có 55.000 tỉ vốn trái phiếu chính phủ để lập dự án khả thi, GPMB, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu.

“Do đó, trong năm đầu hoàn toàn không phải lo đến tiền. Thực tế, làm bằng ngân sách mục đích là để chúng ta kiểm soát chi phí và giá thành” - ông Huy nhận định. Bình luận về 63.000 tỉ còn lại huy động nguồn lực của tư nhân, đại diện bộ GTVT cho biết, đã nâng mức vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10 lên 15% nên khoảng 13.000 tỉ là vốn của nhà đầu tư và 50.000 tỉ từ các tổ chức tín dụng. 

Tuy nhiên, 50.000 tỉ này lại chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỉ từ các tổ chức tín dụng trong nước, tương đương chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống và theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn.

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong đề án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 do Bộ GTVT đề xuất, nhà nước có tỉ lệ góp vốn dạng PPP cao nhất tới 40% và cũng đảm đương việc khó nhất là GPMB do đó “nhà đầu tư nhàn hạ hơn rất nhiều”. 

Đánh giá về khả năng huy động 63.000 tỉ từ nguồn xã hội hoá, chuyên gia này cho chỉ có vấn đề ở 13.000 tỉ “vốn tự có” của các nhà đầu tư vì tiềm lực tài chính của một số tập đoàn trong lĩnh vực cầu đường rất hạn chế và cần phải chọn các tập đoàn có vốn tự có thật sự mạnh, phải có uy tín để vay vốn ngân hàng và “tránh việc phân nhỏ mỗi đơn vị vài chục kilômét làm lam nham”.

Do nhà nước đã gánh việc khó, ông Trần Văn Thế - Tổng Giám đốc Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn - một trong những nhà đầu tư đang nhắm nhe vào dự án này cho rằng, đây là cơ hội đầu tư tốt vì nguồn hỗ trợ vốn Nhà nước rất lớn nhưng ít nhiều vẫn thắc mắc về cơ chế giải ngân nguồn vốn... 

Bản đồ quy hoạch tổng thể dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: T.L

Đấu thầu quốc tế nhưng khó mời nhà đầu tư ngoại

Để giải quyết các bất cập do chỉ định thầu tại các dự án BOT trước đây, Bộ GTVT khẳng định, sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng tham gia của các nhà đầu tư ngoại, đại diện Bộ GTVT lại thừa nhận là không cao và nhà nước phải rót ngân sách nhiều để nhà đầu tư nội “có cửa” tham dự.

Theo đại diện Bộ GTVT, DNNN sẽ không thuộc đối tượng tham gia vì sẽ đấu thầu quốc tế tất cả các đoạn tuyến. Vì nhà nước đã “gánh” vấn đề khó kiểm soát nhất là GPMB nên các nhà đầu tư sẽ phải lượng hoá được rủi ro khi bỏ thầu và mức lợi nhuận kiến nghị là 14% sau khi đã tham vấn 3 thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore.

Khi Bộ GTVT tiếp xúc với 28 nhà đầu tư ngoại chuyên về hạ tầng giao thông và 17 tổ chức chuyên cấp vốn cho các dự án giao thông, các đơn vị này đều đề nghị mức lợi nhuận 17% với các dự án có quy mô và chỉ số tín nhiệm như Việt Nam đồng thời yêu cầu bảo lãnh doanh thu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ.

Trong khi đó, yêu cầu phải bảo lãnh doanh thu hiện chưa có luật, chưa thông lệ và chính phủ không bảo lãnh doanh thu. Tương tự, việc bảo lãnh tỉ giá cũng chưa làm được và cam kết chuyển đổi ngoại tệ cũng chưa có thông lệ.

Do đó, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài được Bộ GTVT nhận định là “rất khó khăn” vì không thể phá rào và trong thời gian tới sẽ “vừa làm vừa nghiên cứu cơ chế chính sách” rồi mới kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào chính thức.

Được biết, Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện quy trình đấu thầu. Cụ thể, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở thực hiện đấu thầu...

Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ ưu tiên đầu tư trước 11 dự án thành phần dài 654km (tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng) của một số đoạn tuyến trên cao tốc Bắc-Nam gồm: 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Còn lại 3 dự án thành phần: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Giá khởi điểm 1.500 đồng/km, thấp hay cao?

Trong tờ trình gửi Quốc hội, Bộ GTVT đề xuất giá khởi điểm là 1.500 đồng/km cho xe con trong giai đoạn từ 2021-2023 và nhà đầu tư có thể thu thấp hơn để kích cầu nhưng không được vượt mức trần và mức giá này sẽ được điều chỉnh 3 năm/lần lên tối đa 3.400 đồng/km cho 3 năm thu phí cuối cùng từ 2042-2044. Mức giá này được nhận định là thấp để thu hút các phương tiện. Đại diện đơn vị tư vấn cho rằng, sau khi tính các chi phí hao mòn thiết bị săm lốp, xe tải lãi chứ không lỗ, xe con gần như ngang nhau chưa kể lợi ích về ATGT, về thời gian. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức giá này không hẳn là thấp và nhiều chủ phương tiện có thể vẫn chê cao tốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn