MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù có nguyên nhân từ đâu, những hỏng hóc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng sẽ được khắc phục triệt để, kể cả cào lên làm lại. Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ qua cảnh báo của tư vấn giám sát?

Thanh Hải LDO | 14/10/2018 19:00
Những biểu hiện hư hỏng, bong tróc mặt đường, tạo ổ gà chi chít trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi vừa mới đưa vào khai thác tuy chưa đến nỗi nghiêm trọng, nhưng đã dậy sóng dư luận.  Bởi vì trước đó có quá nhiều đơn thư tố giác, tố cáo, thậm chí khuyến cáo của chuyên gia, tư vấn giám sát đã không được lắng nghe, giải quyết thấu đáo.

Truy ngược lại các đơn thư tố cáo việc làm ăn gian dối của nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc tại gói thầu thi công - đoạn qua huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi mà người dân, doanh nghiệp (DN) cung ứng vật liệu tố giác từ năm 2015, năm 2016, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho rằng các bộ phận liên quan đều đã làm đúng quy định.

"Khi có đơn tố cáo, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã tiếp thu, lập đoàn kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, sự việc không vi phạm nghiêm trọng như tố giác của dân.

Tôi ví dụ, dân thấy nhà thầu phụ múc đất dưới lòng hồ thủy lợi lên đắp đường cao tốc, họ cho rằng đó là bùn, nhưng trên công trường còn có tư vấn, giám sát, có cán bộ kỹ thuật làm thí nghiệm... Nếu thành phần hạt đảm bảo, thì khi đắp lên mặt đường không còn là bùn nữa rồi. Việc đưa vật tư, vật liệu nào vào công trình đều phải đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật theo thiết kế, được thí nghiệm, kiểm tra chất lượng từ mỏ, được giám sát kỹ thuật đầu vào và có nhiều tầng nấc quản lý..." - ông Thọ khẳng định.

Riêng về hiện tượng nứt bêtông móng đá dăm, nhựa mặt đường ngay từ khi chưa thông xe, từng được các chuyên gia cảnh báo từ tháng 3.2017, ông Thọ thừa nhận Bộ GTVT đã không nghe, thực hiện theo đề nghị của các chuyên gia.

Từ đầu năm 2017, khi mới thảm lớp 1 (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ), những vết nứt dài ở nền móng và cả mặt đường đã bắt đầu xuất hiện. Các gói thầu này thi công theo phương thức xử lý móng bằng đá dăm gia cố xi măng - CTB.

Lúc đó, Tổng Cty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo tình trạng xuất hiện các vết nứt với Bộ GTVT. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã khuyến cáo hiện tượng nứt này. 

Kỹ sư Kurihara Nobuyuki - Tư vấn giám sát đoạn tuyến JICA (Đà Nẵng - Tam Kỳ) lúc đó - cho biết: "Năm 2014, Bộ GTVT cũng đã có quyết định đề cập đến khó khăn trong việc kiểm soát nứt lớp CTB. Giải pháp chống nứt được đề xuất là cần lót thêm một lớp lưới địa kỹ thuật giữa lớp CTB và bêtông thảm nhựa, nhưng chúng tôi đang chờ phản hồi từ Bộ GTVT". 

Trong khi đó, Giám đốc liên doanh tư vấn giám sát CDM SMITH thời điểm đó - ông Hắc Hoàng Kim (đơn vị thi công đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi) - cũng khẳng định: "Ở các nước phát triển, người ta không sử dụng lớp CTB nữa. Ở vai trò tư vấn giám sát, tôi đề xuất chuyển từ CTB sang ATB.

Đại diện tư vấn giám sát và chủ đầu tư cũng đề xuất rằng: Những đoạn tuyến chưa thi công nên chuyển sang phương án ATB - tức đá dăm gia cố nhựa đường.

Tuy vậy, những cảnh báo này dường như không được lắng nghe. Tối 13.10, trả lời báo chí, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã khẳng định  lại: Không có sự thay đổi nào về giải pháp kỹ thuật khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Giải pháp làm nền móng bằng CTB vẫn đảm bảo. Hiện nhiều công trình giao thông, trong đó có các dự án cao tốc ở Việt Nam vẫn tiếp tục áp dụng công nghệ này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn