MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trần Lưu - Tạ Quang

Cấp bách ưu tiên nông nghiệp thuận thiên và hạ tầng

TRẦN LƯU - TẠ QUANG LDO | 02/04/2021 09:27

Tại phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV ngày 31.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí về nguyên tắc chủ trương vay nguồn vốn quốc tế khoảng 2 tỉ USD (từ Ngân hàng Thế giới, Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các chuyên gia, vùng ĐBSCL đang rất cần một hạ tầng giao thông đồng bộ và chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang hướng thuận thiên nâng cao chuỗi giá trị. Đó là hai vấn đề cấp bách cần được ưu tiên tập trung đầu tư cho vùng…

Đột phá từ hạ tầng

Về chủ trương sẽ vay nguồn vốn quốc tế khoảng 2 tỉ USD (của Ngân hàng Thế giới, Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư. Trong đó, xác định rõ dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn, nhằm tạo thuận lợi thực hiện. Vậy, vùng ĐBSCL đang có những vấn đề nào cần ưu tiên thực hiện.

Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, suốt nhiều năm qua, hạ tầng giao thông yếu kém đã trở thành một điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển của vùng. Như tại Trà Vinh, có 2 tuyến quốc lộ 53 và 54 kết nối các địa phương về tỉnh nhưng suốt nhiều năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng đường còn tệ hơn cả hương lộ. Nhiều nhà đầu tư nhìn thấy thực trạng như vậy đã “bỏ của chạy lấy người”, chứ đừng nói đến mời gọi.

Vừa qua, đã có nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… bước đầu đã tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối các tỉnh và liên vùng. Vấn đề này cần được tập trung đầu tư để vùng ĐBSCL có một mạng lưới giao thông hoàn thiện. Điều đó vừa giúp việc đi lại của người dân được dễ dàng và xa hơn là thu hút đầu tư, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế…

Đồng quan điểm trên, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho rằng, giao thông là huyết mạch trong phát triển. Khi nguồn vốn được phân bổ, cần có sự ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Các công trình dự án không chỉ đơn giản là phục vụ đi lại, mà còn phải có sự kết nối từ nội tỉnh, nội vùng, rồi liên vùng. Như tại Hậu Giang, tuyến quốc lộ 61C kết nối Cần Thơ và TP.Vị Thanh, sau thời gian sử dụng hiện đã xuống cấp, đang rất cần nguồn lực để triển khai giai đoạn 2 của dự án.

Đi lên từ nông nghiệp thuận thiên

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL - cho hay, phát triển hạ tầng cho vùng ĐBSCL đang rất quan trọng. Nhưng ngoài đường bộ, cần có sự quan tâm đến giao thông đường thủy, vốn là một tiềm năng đang bị bỏ quên.

ĐBSCL là vùng đất nông nghiệp, nên rất cần sự chuyển hướng mạnh mẽ từ nền nông nghiệp lạc hậu truyền thống, với tư duy nặng về thâm canh chuyển sang nền nông nghiệp thông minh, tập trung vào chuỗi giá trị và chất lượng. Ở đó, cần có nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cụm chế biến chuỗi nông, thủy sản… và phải làm sao có một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các cụm này để vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Theo ông Thiện, từ khi Nghị quyết 120 ra đời, trở ngại của vùng ĐBSCL là quán tính tư duy cũ. Hình dung chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Trong khi đó, nếu chúng ta rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt những chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn.

Trong suốt thời gian dài, nền nông nghiệp đã phát triển chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên, mùa lũ chống lũ, mùa hạn chống hạn năm này sang năm khác. Từ đó, chúng ta đã tạo ra một hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ trên toàn đồng bằng. Trong các vùng ngọt hóa chẳng hạn, sinh kế người dân từ mặn đã chuyển sang canh tác theo nước ngọt. Còn trong bối cảnh mới, các vùng ngọt hóa sẽ không thể tồn tại lâu. Nhưng muốn chuyển đổi ngược lại như xưa sẽ khó khăn vì sẽ ảnh hưởng sinh kế người dân trong thời gian đầu. Người nông dân nhỏ lẻ sẽ cần hỗ trợ vì không đủ nguồn lực để chuyển đổi dù họ có mong muốn.

Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - ông Trần Việt Trường, thời gian qua, nền nông nghiệp thành phố đã có những bước đi đúng hướng và đang tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ sau khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành. Đến nay, Cần Thơ đã khuyến khích mở rộng các mô hình canh tác cây trồng trên cạn, trong giai đoạn 2018 - 2020 đã chuyển đổi được 4.267ha các loại cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Nghị quyết 120 đang mở ra những hướng đi đúng đắn.

Vùng ĐBSCL nên cần được dành một khoản vốn đầu tư ưu tiên để đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu và các dự án liên kết vùng theo Nghị quyết 120. Cụ thể là hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối vùng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và cầu Mỹ Thuận 2; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; các dự án thành phần của dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông; từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc/trục ngang, kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng...

Ông Trường cho rằng, Cần Thơ và Hậu Giang hiện có hệ thống cảng biển có công suất tiếp nhận tàu trên 30.000 tấn, nhưng do luồng Định An cạn và kênh Quan Chánh Bố chưa thông. Đề nghị Chính phủ cần ưu tiên bổ sung vốn để hoàn thiện dự án kênh Quan Chánh Bố và nạo vét luồng Định An (riêng luồng Định An có thể mời gọi xã hội hóa) để phục vụ phát triển dịch vụ logistic hỗ trợ cho cho nông dân và doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư cho các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản... chống thất thoát tài sản, nâng cao cuộc sống của người dân; đồng thời sử dụng hiệu quả kinh phí Nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn