MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn bởi năng lực tại kho bãi hạn chế. Ảnh: TTXVN

Cát Lái đóng 70 container/ngày để xuất khẩu gạo, chỉ như "muối bỏ bể"

Vũ Long LDO | 15/08/2021 16:09

Từ ngày 16.8.2021, Bến 125 – Cảng Cát Lái hoạt động trở lại với công suất khoảng 70 container/ngày, quá thấp so với nhu cầu xuất khẩu gạo.

Công suất 70 container/ngày - quá nhỏ

Trao đổi với PV Lao Động chiều 15.8, ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Với công suất 70 container/ngày, trung bình mỗi container khoảng 25 tấn gạo, tức là mỗi ngày có 1.750 tấn gạo được đóng rút để xuất khẩu, không đáng kể so với nhu cầu thực tế bởi hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn có khả năng đóng gạo vào container tại kho, thì nhiều doanh nghiệp vẫn phải chở gạo về Bến 125 Cảng Cát Lái để đóng rút.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long – ông Nguyễn Chánh Trung cũng cho rằng, mặc dù mở lại các cảng, nhưng công suất và lưu lượng đóng cũng khó thông ngay lúc này bởi liên quan đến rất nhiều vấn đề cộng sinh trong xuất khẩu gạo.

“Còn hàng loạt vấn đề liên quan, như logistics từ nhà máy lên cảng, rồi năng lực bốc xếp của công nhân tại cảng cũng là vấn đề lớn vì hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội” – ông Nguyễn Chánh Trung nói.

Theo thông tin mà PV có được, nhiều năm nay do những bất cập khi đóng hàng tại cảng, mà một số "ông lớn" về xuất khẩu gạo như Tân Long, Lộc Trời, Intimex, Trung An... đều tự trang bị cơ sở hạ tầng để đóng hàng tại kho, giảm bớt tổn thất để giảm giá thành, nhằm đưa ra mức giá xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Chia sẻ ý kiến về việc Cát Lái mở lại Bến 125 với công suất 70 container/ngày, doanh nhân Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, số lượng gạo phải đóng rút tại Bến 125 rất nhiều, nên 70 container/ngày là không đáp ứng được nhu cầu.

“Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đóng container ở kho (như Tân Long, Trung An… - PV), và những doanh nghiệp chuyên đi mua gạo của các doanh nghiệp ở miền Tây để xuất khẩu thì buộc phải đóng container ở cảng” – ông Bình nói.

Cả người bán và người mua đều… “cầm chừng”

Theo doanh nhân Nguyễn Chánh Trung, hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay đang rất trầm lắng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến logistics kho bãi - phân phối - giao hàng rất hạn chế lúc này.

"Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách thích ứng. Mặc dù vậy, hiện tại, người mua hay người bán đang rất cầm chừng, không chủ trương giao dịch nhiều” – ông Nguyễn Chánh Trung cho hay.

Liên quan đến vấn đề giao dịch gạo trầm lắng, nhiều doanh nghiệp "thanh minh" về lý do không đẩy mạnh mua gạo trong khi vụ hè thu của nông dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất cần tiêu thụ, ông Phan Xuân Quế - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho biết: “Tỉnh An Giang vừa rồi có phản ánh chúng tôi không tích cực thu mua lúa và Vinafood 1 đã làm việc với An Giang, báo cáo số liệu là hệ số lấp đầy kho 85% nên không còn chỗ chứa, cần giải phóng hàng mới có thể thu mua được”.

Bên cạnh đó, vướng mắc về vấn đề tài chính cũng khiến giao dịch lúa gạo trầm lắng, khi doanh nghiệp chưa quay vòng được nguồn vốn bởi gạo mua về vẫn nằm trong kho chưa xuất đi được.

Theo ông Vũ Tiến Hùng - Công ty CP XNK An Giang (Angimex), dù lượng xuất khẩu tồn kho quá lớn song doanh nghiệp ông vẫn gửi văn bản tới Sở NNPTNT An Giang đề nghị hỗ trợ Angimex mua 30.000 tấn lúa cho nông dân.

“Tuy nhiên, muốn làm được việc này Angimex cần được hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng ”- ông Vũ Tiến Hùng chia sẻ.

Giám đốc Công ty CP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) – ông Lê Văn Cường, vừa ra thông báo kế hoạch tiếp nhận lại dịch vụ đóng rút gạo tại Bến 125 – Cảng Cát Lái từ ngày mai (16.8) với quy mô 2 băng chuyền, công suất 70 container/ngày. Giá đóng gạo tại Bến 125 từ ngày 16.8 sẽ áp dụng phụ thu 450.000 đồng/container (đã bao gồm thuế VAT).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn