MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Câu chuyện cung cầu đằng sau chính sách tăng giá đột biến dịp lễ Tết

LA LDO | 20/01/2020 21:01

Dịp cuối năm, do văn hóa và phong tục Việt Nam, nhu cầu di chuyển để mua sắm và thăm hỏi tặng quà mỗi năm đều tăng vọt. Chính sách tăng giá đột biến đã đảm bảo người dùng chắc chắn đặt được xe để hoàn thành công việc cá nhân, bên cạnh đó đem lại thêm thu nhập cho tài xế dịp Tết đến.

Việc các dịch vụ tăng giá đột biến trong những dịp lễ Tết, cao điểm không còn là chuyện lạ nhưng ít ai biết về những quy luật cung cầu đằng sau chính sách này. 

Tăng giá đột biến (Surge pricing) là gì? 

Trong dịp Tết Nguyên đán, các ứng dụng đặt xe công nghệ trên thị trường như Grab, Be, Go Viet… đều áp dụng mức phụ phí đặt xe và mức tăng giá đột biến. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại rất cao trong thời gian này của người dân cả nước và đảm bảo thu nhập, cũng như khích lệ tinh thần hoạt động trong dịp nghỉ lễ cho các tài xế.

Tăng giá đột biến là chính sách điều chỉnh giá dựa trên kết nối giữa cung và cầu trong kinh doanh, được sử dụng bằng thuật toán mà các ứng dụng kết nối di chuyển trên nền tảng công nghệ như Uber, Lift, Grab… sử dụng khi có sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Sự mất cân bằng cung-cầu này xảy ra khi có sự thay đổi về cả nhu cầu của người đi và sự sẵn có của tài xế.

Chính sách này lý giải hiện tượng giá cước tăng cao so với giá cước thông thường vào giờ cao điểm, lúc mưa bão, khi diễn ra các buổi hòa nhạc lớn hay các dịp lễ tết khi nhu cầu di chuyển của người dùng dịch vụ tăng đột biến. Khi đó, vì nhu cầu gia tăng mà lượng cung tài xế không thay đổi, việc giá tăng sẽ làm giảm nhu cầu đi lại thông qua dịch vụ gọi xe điện tử và tăng số lượng tài xế sẵn sàng tham gia giao thông, cân bằng lại cung và cầu. Những hành khách có mong muốn di chuyển đủ lớn để sẵn sàng trả mức giá đã tăng chắc chắn sẽ được đáp ứng nhu cầu, còn những hành khách có nhiều sự lựa chọn hơn và vì thế không chấp nhận mức giá cao có thể dựa vào các phương tiện khác. 

Trong thời điểm nhu cầu đi xe tăng cao như vậy, giá xe thường có xu hướng tăng giá để đảm bảo rằng những người có nhu cầu đi xe có thể chắc chắn bắt được xe chứ không phụ thuộc vào may mắn hoặc sự lựa chọn của tài xế. Về cốt lõi, nó liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do, giúp đảm bảo rằng những thứ người tiêu dùng thực sự muốn thì họ sẽ có được. 

Lợi ích của tăng giá đột biến

Một số khách hàng nhận định tăng giá đột biến là chính sách không công bằng, chỉ đem lại lợi ích cho nhà cung cấp dịch vụ. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tăng giá đột biến đảm bảo khách hàng vẫn nhận được dịch vụ theo yêu cầu mà không cần mất nhiều thời gian chờ đợi kể cả trong những hoàn cảnh khẩn cấp hay lúc cao điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Mai Lan, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng trong những lúc cao điểm, đặc biệt là lễ Tết, chị luôn sẵn sàng trả giá cao hơn thường ngày để đi xe. "Những lúc tắc đường, tài xế họ vất vả và tốn chi phí nhiên liệu hơn nên trả thêm phí cũng là dễ hiểu. Đặc biệt những ngày Tết, chỉ cần có xe bởi ngày Tết, đường đông, có xe để đi là tốt lắm rồi" chị Lan nhận xét.

Thông thường, khi nhu cầu di chuyển tăng cao đột biến trong khi số lượng xe là không đổi, nguy cơ cung không đủ cầu và thời gian chờ đợi của khách hàng phải tăng lên là rất lớn. Tuy nhiên, nhờ có chính sách này, những khách hàng không sẵn sàng trả giá cước cao sẽ tìm phương án di chuyển thay thế. Ngoài ra, sự hấp dẫn của giá cước tăng cao cũng khiến các lái xe sẵn sàng đi tới những nơi đang tập trung nhu cầu của khách hàng, nhờ đó có thể tối đa hóa khả năng những khách hàng thực sự cần sử dụng dịch vụ sẽ được phục vụ. 

Cory Kendrick, một chuyên gia về dữ liệu, cùng với Giáo sư Chris Nosko đến từ Đại học Chicago (Hoa Kỳ) đã so sánh hai trường hợp cao điểm ở New York để minh họa cho lợi ích của chính sách surge pricing đối với khách hàng sử dịch vụ vận tải công nghệ. 

Tháng 3/2015, khi buổi hòa nhạc của ca sĩ Ariana Grande được tổ chức ở khu trung tâm Manhattan sắp kết thúc, số người dùng ứng dụng để gọi xe tăng gấp 4 lần chỉ trong vài phút. Thuật toán của một công ty vận tải công nghệ nhanh chóng áp dụng surge pricing, do đó lượng thời gian chờ xe trung bình chỉ tăng nhẹ trong khi tỷ lệ yêu cầu gọi xe được đáp ứng không bao giờ giảm xuống dưới 100%. Ngược lại, vào đêm giao thừa năm 2014, thuật toán bị lỗi trong 26 phút và ở New York không có hiện tượng surge pricing. Vào thời điểm đó, thời gian chờ xe trung bình tăng khoảng 2 đến 8 phút, trong khi tỷ lệ người dùng gọi được xe giảm xuống dưới 25%.

Bên cạnh đó, với khu vực có nguồn cung dư thừa, “surge pricing” có thể tạo ra sự phân bổ tài xế tốt hơn bằng cách giảm tiềm năng doanh thu của tài xế phục vụ khu vực đó, từ đó thúc đẩy tài xế chuyển đến các khu vực có nhu cầu cao hơn. Mặc dù việc tăng giá như vậy làm giảm lợi nhuận trong khu vực được sử dụng, tuy nhiên nó có thể tăng tổng doanh thu trên các khu vực và có lợi hơn so với việc cung cấp tiền thưởng cho lái xe để di chuyển. Ngoài ra, “Surge pricing” ở những khu vực này cũng có thể được sử dụng như một tín hiệu đáng tin cậy cho tài xế về nhu cầu di chuyển đến khu vực lân cận hoặc để giảm thiểu số lượng tài xế rời khỏi khu vực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn