MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây macca đã đến thời kỳ trồng, nhưng do chưa có đất và trâu bò phá hoại nên phải hãm lại. Ảnh: HƯNG THƠ

Câu chuyện quản lý: Thảm đỏ gặp quan liêu

QUANG ĐẠI LDO | 06/06/2017 07:45
Chuyện “siêu dự án” đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 37 triệu USD tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) bị “tắc” từ 3 năm nay, không thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng là câu chuyện buồn cho thu hút đầu tư ở tỉnh này.

 Với địa phương còn nhiều khó khăn như Hướng Hoá - Quảng Trị, thu hút được dự án với số vốn đầu tư lớn từ nước ngoài như vậy là thành công lớn, kết quả của chủ trương “rải thảm đỏ” của tỉnh. Tuy nhiên, vướng mắc đến từ việc triển khai thực hiện dự án đầy tắc trách của cán bộ chuyên môn. Thật khó tin khi cán bộ Phòng TNMT huyện, đơn vị được giao tham mưu quyết định thu hồi đất - giao đất chỉ căn cứ vào hồ sơ do đơn vị tư vấn xác lập từ xã lên, chứ không kiểm tra thực địa. Việc giao đất “trên giấy” này đã gây ra tình trạng “Đất giao cho người này, nhưng thực tế người khác có cây trồng, tài sản trên đó. Đơn vị tư vấn sai ở chỗ xác định diện tích đó là đất lâm nghiệp, nhưng thực tế có bà con trồng trọt” như ông Trưởng Phòng TNMT huyện thừa nhận. Hồ sơ thu hồi đất đã sai, đến khi làm thủ tục kiểm đếm tài sản trên đất cũng qua loa, “thiếu vắng” chữ ký của chủ hộ. Vậy là doanh nghiệp khốn đốn vì đã phải trả hai lần tiền trên một diện tích đất, mà sau 3 năm, vẫn còn trên 80ha chưa được bàn giao, thiệt hại kinh tế nặng nề do dự án chậm tiến độ, cây cối bị phá hoại.

Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, ra “tối hậu thư” hàng chục lần, nhưng dự án vẫn bế tắc. Doanh nghiệp quá nản lòng khi vừa bước chân lên “thảm đỏ” thu hút đầu tư, đã nhận ngay quả đắng mang tên “quan liêu”, đại khái, vô trách nhiệm. Đối với chính quyền địa phương, đây cũng là bài học sâu sắc về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, tổ chức thu hồi, bàn giao, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư. Cần có sự rà soát, xác định trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào để có biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm khắc. Về mặt pháp lý, thiết nghĩ trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần thêm điều khoản thời hạn hoàn tất hồ sơ, bàn giao mặt bằng, nếu vi phạm gây thiệt hại phải bồi thường. Nếu cần thiết, vụ việc cần đưa ra toà án, để có phán quyết rõ ràng, kịp thời. Thiệt hại về dự án 37 triệu USD do chậm triển khai là không nhỏ, không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn cho kinh tế - xã hội - môi trường đầu tư của địa phương. Cái mất mát lớn hơn, là niềm tin của nhà đầu tư, nếu địa phương không có giải pháp hợp lý, quyết liệt và kịp thời. Và đây cũng không là chuyện riêng của Quảng Trị.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn