MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu vượt ngã ba Huế (Đà Nẵng) đã đưa vào sử dụng 4 năm nhưng nợ xây dựng vẫn chưa đòi được từ nhà nước. Ảnh: V.N

Cầu vượt 3 tầng ở Đà Nẵng: Vay vốn đầu tư BT, 4 năm chưa đòi được nợ

Thanh Hải LDO | 11/11/2019 07:11

Cầu vượt 3 tầng ngã ba Huế là nút giao thông khác mức, được đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, xây dựng theo phương thức đầu tư BT. Đây không chỉ là công trình giao thông quan trọng, xóa được điểm đen giao thông có giao cắt phứt tạp giữa các đường nội đô, QL1A và cả đường sắt bắc nam mà còn là công trình kiến trúc độc đáo, kỳ vĩ của Đà Nẵng. Tuy vậy, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã 4 năm, nhà đầu tư vẫn chưa đòi được nợ từ nhà nước...

Xin được trả nợ

Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức ngã ba Huế được xem là công trình trọng điểm của Đà Nẵng ở thời điểm 2013, bởi giúp giải quyết triệt để vấn nạn tắc nghẽn giao thông và liên tiếp xảy ra tai nạn chết người ở cửa ngõ phía bắc của TP. Công trình này sau khi khởi công, đã được Bộ GTVT điều chỉnh (tại Quyết định số 2720/QD-BGTVT ngày 17.7.2014) theo hình thức hợp đồng BT với giá trị hợp đồng trên 2.300 tỉ đồng. Nguồn vốn được cam kết sẽ bố trí vốn hoàn trả cho nhà đầu tư từ kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ GTVT, giai đoạn 2017 đến 2020.

Cty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam - doanh nghiệp đại diện nhà đầu tư BT cho biết công trình đã đưa vào sử dụng từ 2015, đã bàn giao cho Đà Nẵng từ 2 năm trước (2017), được kiểm toán hoàn tất từ tháng 1.2018. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần xin được thanh toán, dự án vẫn chưa được giải ngân.

Từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2019, đơn vị này lại tiếp tục “đâm” hàng loạt đơn thư, công văn lên chính quyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT... để xin được thanh toán như những cam kết ban đầu.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, đề nghị xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh toán vốn đầu tư cho dự án nút giao thông ngã ba Huế theo đúng chủ trương của Chính phủ, nhằm hạn chế việc chậm trả, làm ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của nhà đầu tư cũng như ngân hàng và phát sinh lãi vay.

Gây khó dây chuyền

Theo Cty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam, từ 11.2018, Quốc hội đã phê duyệt bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT, trong đó bố trí kinh phí 553,954 tỉ đồng đã được bố trí để thanh toán cho dự án nút giao thông khác mức ngã ba Huế. Tuy nhiên đến nay kế hoạch này chưa được thông suốt.

Trong kiến nghị lần này, UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương trước mắt sớm thanh toán như quyết định phê duyệt nói trên của Quốc hội. Phần kinh phí 553,954 tỉ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT (theo phê duyệt của Quốc Hội hồi tháng 11.2018) đã có quyết định chi tiết kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của Bộ KHĐT, chỉ rõ bố trí 32,954 tỉ đồng để thanh toán cho dự án nút giao thông khác mức ngã ba Huế đúng thời hạn (2019).

Thật ra, kế hoạch giải ngân thanh toán cho dự án này đã được các Bộ Tài chính, Bộ KHĐT có công văn phản hồi kiến nghị của chính quyền Đà Nẵng từ đầu năm 2019. Tuy vậy, tình hình thanh toán vẫn chưa có tín hiệu khả quan, do vậy UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn tất thủ tục và thanh toán cho nhà đầu tư trong năm 2019.

Phần kinh phí còn lại (trong gói gần 536 tỉ đồng này) cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn tất các thủ tục để phân bổ vốn chi tiết và thanh toán toàn bộ cho nhà đầu tư trong năm 2020.

Tất nhiên, đối với phần lớn phần kinh phí của dự án (khoảng 1.825 tỉ đồng), Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí thanh toán cho dự án từ nguồn vốn dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương của cả nước trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội (NQ số 84/2019/QH14 ngày 14.6.2019) và đề xuất của Bộ KHĐT (tại Công văn số 975/BC-KHĐT ngày 18.2.2019).

Đại diện nhà đầu tư BT nút giao thông Ngã Ba Huế cho biết, dù đã có rất nhiều công văn, đơn thư gửi các cấp từ địa phương đến Trung ương, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin về việc bố trí vốn thanh toán cho dự án. Doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn về công nợ nhà thầu, quyết toán dự án, ký phụ lục hợp đồng BT… Gánh nặng về tài chính này của nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án này cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm của hàng nghìn lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn