MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân trồng dứa mật không mắt dọc sườn đồi. Ảnh: Phong Lan 

Cây dứa mật không mắt bén duyên trên cao nguyên Kbang

PHONG LAN LDO | 01/09/2024 20:00

Gia Lai - Cây dứa mật không mắt hiện là nông sản mới giúp nâng cao đời sống cho người dân làng Kon Lốc 1, ở xã Đăk Rong, huyện Kbang.

Nhiều năm qua, người dân Kon Lốc sống rừng, chủ yếu dựa vào thu hái lâm sản phụ để mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Kể từ khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang đưa cây dứa mật không mắt về làng trồng thử nghiệm, người dân hào hứng học hỏi, phát triển kinh tế.

Từ những vườn tạp, khô cằn sỏi đá, các hộ dân làng Kon Lốc 1 đã xắn tay cày xới, làm cỏ, trồng những luống dứa mới trong niềm hy vọng thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Dứa mật không mắt tại huyện Kbang. Ảnh: Phong Lan

Anh Đinh Văn Pin - người dân làng Kon Lốc 1, xã Đăk Rong - cho biết: “Ban đầu xã có 16 thành viên trồng thử nghiệm giống dứa mới. May mắn dứa phát triển tốt và cho năng suất hiệu quả trên nương rẫy. Hiện giá trị thị trường của giống dứa mới khá cao so với dứa thường nên người dân rất vui mừng, phấn khởi”.

Dứa mật không mắt có trọng lượng trung bình 2 - 2,5 kg/trái. Tính bình quân, các hộ thu được tầm 16 tấn dứa/ha/năm.

Dứa không mắt đang được ngành chức năng huyện tìm kiếm, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Phong Lan

Đặc biệt, dứa mật không mắt mỏng vỏ, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị thơm ngon. Loại dứa này phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng.

Về giá trị, nếu như các giống dứa khác chỉ có giá 3 - 4 ngàn đồng/kg thì giống dứa mật không mắt có giá khoảng 10 ngàn đồng/kg. Trọng lượng trái dứa cũng cao hơn 2 - 3 lần so với các giống dứa thông thường.

Chưa hết, giống dứa mật không mắt có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên nhược điểm là thời gian bảo quản ngắn do quả mọng nước, khi chín dễ bị bầm dập, hư quả. Do đó, các hộ dân cần kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Đăk Rong, huyện Kbang - cho biết, địa phương đã tổ chức các lớp đào tạo, cung cấp giống, kỹ thuật để hướng dẫn cho người dân sản xuất. Hiện toàn xã có hơn 40ha dứa mật không mắt.

Vườn dứa phát triển tươi tốt, năng suất trên đất đồi cằn khô. Ảnh: Phong Lan

Theo ông Quang, hiện nay xã đang phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho cây dứa. Huyện chọn loại cây này thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã theo Chương trình OCOP.

Ông Mã Văn Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang - chia sẻ, kế hoạch đến năm 2025, huyện phấn đấu chuyển đổi khoảng 2.917 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, trong đó có cây dứa, mắc ca, cà phê, chanh dây…

Huyện ưu tiên bố trí đất đủ lớn để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản sâu và phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn