MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: CafeF

CGV đạt doanh thu khủng đến mức nào khi làm ăn tại Việt Nam

Phạm Dung LDO | 01/08/2018 16:00
Thông qua báo cáo tài chính năm 2017 có thể khẳng định CGV Việt Nam đang làm ăn có lãi tại Việt Nam khi chiếm tới 60% thị phần phát hành phim ở Việt Nam. 

Chiếm thị phần khủng tới 60%

Báo cáo tài chính năm 2017 của CGV thống kê, doanh nghiệp Hàn Quốc này đang chiếm 47% thị phần tại Việt Nam với 53 cụm rạp và 324 phòng chiếu, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Sau sự rút lui của cụm rạp Platinum vào đầu năm 2017, CGV, Lotte và một số cụm rạp mới đã vươn lên để chiếm khoảng trống bỏ lại. Thực tế, để giành thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường Việt Nam, CJ CGV Việt Nam và Lotte Cinema đều đã “chi đậm” từ lúc bắt đầu gia nhập thị trường bằng việc liên tục rót tiền để mở rộng số lượng cụm rạp. 

Cuối năm 2017, ông Sim Joon Beom, Tổng giám đốc CJ CGV đã công bố kế hoạch sẽ rót thêm 200 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020, kèm theo mục tiêu đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển.

Trong năm qua, CGV đã mở thêm 15 cụm rạp và nâng tổng số phòng chiếu từ 247 lên 324, mức tăng 30%. Nhờ đó, doanh thu chiếu phim của CGV tăng trưởng hơn 20%, cao hơn so với mức tăng của ngành, lên 1.460 tỷ đồng.

Thị phần chiếu phim của CGV còn cao hơn cả 4 tên tuổi đứng sau cộng lại gồm Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ngoài ra, thị phần phát hành phim của CGV lên tới hơn 60%.

Trong 3 năm qua, doanh thu từ hệ thống rạp CGV Việt Nam liên tục tăng. Năm 2017, doanh thu của CGV Việt Nam đạt 130 tỷ won, tương đương với hơn 2.700 tỷ đồng tăng 42% so với năm 2015. Theo số liệu từ Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với năm 2016.

Liên tục bị lên án

Sự việc ảnh nóng của một cặp đôi bị nhân viên CGV tung lên mạng mới đây khiến dư luận đang đổ dồn sự chỉ trích về cho đơn vị này. Đại diện đơn vị CGV cho hay, đã kiểm điểm nghiêm khắc nhân viên liên quan đến vụ việc bằng cách đình chỉ công việc.

Trước đó, sự "bành trướng" của CGV khiến các doanh nghiệp trong ngành lo ngại. Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương. Hiệp hội này cho rằng, thị trường điện ảnh Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài âm mưu thôn tính.

"Họ đang có chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường và thôn tính nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Bằng các ưu thế về vốn, kinh nghiệm và với các thủ đoạn tinh vi, họ đã và đang thiết lập những điều kiện nhằm buộc các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam phải tuân theo với mục đích tiến tới chiếm lĩnh thị trường và nền điện ảnh Việt Nam sẽ phụ thuộc vào họ", văn bản của Hiệp hội nêu rõ.

Hồi giữa năm 2016, CGV từng bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam tố cáo ăn chia phòng vé không sòng phẳng. Theo khiếu nại của 8 đơn vị, CGV đã áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình, khi phim do CGV phát hành hay phim do các đối tác khác phát hành thì CGV cũng hưởng 55%, trong khi các hãng nhận 45%.

Do số lượng rạp của CGV quá lớn (thời điểm đó chiếm 40% tổng số rạp phim trong cả nước) nên các doanh nghiệp điện ảnh trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV. Nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim của họ sẽ không được chiếu trên 40% số rạp.

Dù liên tục bị các doanh nghiệp trong nước tố cáo nhưng thị phần cũng như doanh thu của CGV vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn