MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mai được đưa về vườn tại TP.Vũng Tàu để chăm sóc. Ảnh: T.A

Chăm mai sau Tết: Vườn kén khách

Thành An LDO | 12/02/2022 14:19

Bà Rịa - Vũng Tàu - Sau những ngày rực rỡ trong Tết Nguyên đán, nhiều cây mai được đem cho, hoặc đưa đến các vườn cây cảnh để chăm sóc phục hồi, tiếp tục khoe sắc trong Tết năm sau. Nhu cầu thì rất nhiều, nhưng nhiều vườn mai trên địa bàn tỉnh cũng chỉ nhận hạn chế, không đại trà.

Giá chăm không cao so với giá trị cây mai

Từ mùng 7 Tết, các nhà vườn tại TP.Vũng Tàu và những địa phương khác bắt đầu có khách hàng đem mai đến gửi. Theo một số vườn mai, thời gian đông khách đem mai gửi vườn nhiều nhất là vào khoảng mùng 9 Tết, sau đó kéo dài cho đến hết Rằm tháng Giêng.

Một vườn mai cho biết, giá chăm sóc một cây mai ở địa phương không quá cao so với những nơi khác. Theo khung giá tiêu chuẩn ở Vũng Tàu, cây mai dưới 10 triệu đồng thường có giá chăm sóc khoảng 30%, còn cây mai giá trên 10 triệu đồng có giá chăm khoảng 15% giá trị cây cho một năm.

"Giá thì thế thôi chứ nhiều vườn không nhận cao như thế. Một cây mai hàng trăm triệu đồng, tiền công chăm sóc hàng năm chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Giá chăm mà cao ngất ngưởng 50% như ở một số nơi khác thì khách chẳng chơi mai nữa", ông Phan Bá Thế - vườn mai Bá Thế, có trên 20 năm kinh nghiệm chăm sóc mai - cho biết.

Nhà vườn kén khách gửi chăm mai

Bà Phan Thị Út (phường 4, TP.Vũng Tàu) cho biết, năm nay mua được cây mai ra bông rất đẹp, hoa rất dày, tuy nhiên khi liên hệ thì những nhà vườn không nhận chăm sóc cây. Vì vậy, gia đình phải tự cắt hoa, nụ... và đưa cây lên sân thượng để tự dưỡng.

Liên hệ vườn mai Phú Cường trên địa bàn TX.Phú Mỹ, nhà vườn cho hay, không nhận vì không còn mặt bằng để chăm sóc, dù có nhiều khách hàng liên hệ. Do công việc này cũng khá vất vả và gặp nhiều rủi ro nên vườn chỉ nhận của những khách hàng thân thiết gửi chứ không nhận thêm.

Một số vườn mai tại TP.Vũng Tàu cũng từ chối các khách lạ. Ông Phan Bá Thế - một chủ vườn mai trên đường 30/4, TP.Vũng Tàu - lý giải vấn đề trên đến từ nhiều nguyên nhân.

Theo ông Thế, khi nhận chăm mai giá trị cao, mà tiền công chăm sóc rẻ, nếu lỡ cây mai bị "suy" thì không có mai cho khách chơi Tết và uy tín vườn ảnh hưởng. Xấu nhất là lỡ cây bị chết, rất dễ tranh chấp nếu đó là khách hàng lạ, không hiểu nhiều về chăm sóc mai.

Nguyên nhân để cây mai bị suy, dẫn đến chết thì lại rất nhiều, cụ thể như để trong phòng lạnh, khu vực bóng râm, thêm phân bón hóa học, thêm thuốc... quá tay, hoặc cả vấn đề không tưới trong những ngày Tết (nhất là đối với mai ghép). Phần lớn nguyên nhân đều đến từ khách hàng, nhưng nhiều người không hiểu và cho rằng, nguyên nhân do kỹ thuật của vườn.

Chăm mai cần rất nhiều hiểu biết

Cũng theo ông Thế, việc chăm mai sau Tết khá cầu kỳ, cần rất nhiều hiểu biết chứ không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Với nhiều công đoạn, kèm theo lộ trình cụ thể, việc dưỡng một cây mai có thể rực rỡ vào năm sau cũng không hề dễ dàng, cần phải có hiểu biết nhất định về cây và tác dụng của từng loại phân bón.

Cụ thể như, cây mai sau khi được chuyển về vườn phải chọn nơi để là có ánh nắng nhẹ. Lúc này, cây thường có lá mới non mịn, cùng một số búp nụ. Vườn phải lặt hết những búp nụ để dưỡng cây, chờ cho lá trở nên cứng cáp hơn (khoảng sau Rằm tháng Giêng) rồi mới bắt đầu tiến hành tỉa cành.

Một cây mai chuyển về vườn còn rất nhiều nụ, phải được tỉa hết trước khi tiến hành chăm sóc để dưỡng cây. Ảnh: T.A

Sau đó là công đoạn thay đất, tỉa rễ được tiến hành vào khoảng tháng 2 Âm lịch. Đất thay sẽ được trộn theo công thức riêng của từng vườn mai, gồm cả xơ dừa, trấu... theo tỉ lệ nhất định. Việc này cũng cần một số kỹ thuật như nén đất, tỉa nhưng không làm dập rễ... để đảm bảo sức khỏe và sự ổn định cho cây phát triển. Đặc biệt lưu ý không bón phân hóa học trong giai đoạn này do khả năng cao sẽ làm hỏng rễ, chết cây. Thời gian này cần tưới nhiều ít nhất 2 lần/ngày để cây nhanh chóng ổn định và phát triển.

Cũng theo ông Thế, trong thời gian còn lại của năm, cây mai cần khoảng 86 loại vi chất cùng phân bón để có thể phát triển hài hòa nên việc bón gì, lúc nào cần thiết là tùy thuộc vào kinh nghiệm và hiểu biết của người làm nghề chăm sóc mai.

Trong đó, một phần rất quan trọng đến từ nước tưới. Do nước máy không có dưỡng chất, người chăm mai tại đô thị cần phải có những hiểu biết để bổ sung các vi chất kịp thời, với liều lượng ổn định để mai có thể phát triển tốt và sung sức, cho nhiều nụ, nở đúng dịp trong năm mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn